Nông dân Cà Mau gấp rút thu hoạch lúa Hè Thu

Nông dân Cà Mau gấp rút thu hoạch lúa Hè Thu
Nhìn những hạt lúa bén rễ phơi trên chiếc mành rộng trên mặt đường giao thông nông thôn, lão nông Huỳnh Văn Nhãn (ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, mưa nhiều khiến  toàn bộ 15 công ruộng lúa Hè Thu của gia đình bị ngập úng, mực nước dưới ruộng lên cao. Gia đình phải thuê nhân công cắt lúa với giá 600.000 đồng/công, cao gấp đôi so với thuê máy gặt liên hợp. Tuy đã hoàn thành thu hoạch nhưng lúa bị ra mộng, bán không ai mua; khả năng gia đình bị mất trắng.
20 công lúa hè thu của hộ dân Trần Quốc Yên, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời bị ngập úng, ngã đổ do ảnh hưởng mưa lớn dài trong những ngày qua. Ảnh: Kim Há -TTXVN
20 công lúa hè thu của hộ dân Trần Quốc Yên, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời bị ngập úng, ngã đổ do ảnh hưởng mưa lớn dài trong những ngày qua. Ảnh: Kim Há -TTXVN

Anh Nguyễn Trung Thao (ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) sót dạ khi trông 4 công ruộng lúa Hè Thu đang chín rộ của gia đình bị đổ. Trời mưa kéo dài nhiều ngày ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch, bông lúa ngã sập dưới ruộng nước, hạt rụng khá nhiều gây thất thoát lớn. Tranh thủ trời nắng, gia đình anh Thao ra ruộng gặt bông lúa bị đổ trên ruộng.

Anh Thao bày tỏ, gia đình anh khó nhọc cải tạo 4 công lúa Hè Thu song chỉ thu hoạch được 24 bao lúa với trọng lượng khoảng 40 - 45kg/bao. Vụ lúa Hè Thu tưởng chừng "chắc thắng" nhưng ảnh hưởng của thiên tai khiến hàng trăm hộ dân nơi đây rơi vào hoàn cảnh nợ nần.
5 công ruộng lúa hè thu của gia đình anh Đặng Văn Hể, ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời bị ngã đổ hoàn toàn. Ảnh: Kim Há-TTXVN
5 công ruộng lúa hè thu của gia đình anh Đặng Văn Hể, ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời bị ngã đổ hoàn toàn. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Tiếp chuyện với chúng tôi khi đang bận rộn với công việc be bờ, bơm nước ra sông để cứu hơn 20 công lúa Hè Thu đến kỳ thu hoạch, anh Trần Quốc Yên (ấp 5, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bức xúc, mực nước ngoài sông dâng cao khiến các cống thoát nước đều bị vô hiệu hóa. Do vậy, gia đình chủ động bố trí 3 máy bơm tháo nước ra sông. Trời mưa lớn gây ngập úng, đổ ngã nhiều trà lúa gây thất thoát.

Anh Yên cho rằng, biện pháp "chữa cháy" để cứu ruộng lúa ngập úng trong thời điểm này chính là sử dụng máy bơm hoạt động cả ngày và đêm để tháo nhanh nước ra sông. Khi ruộng cạn nước đưa máy gặt liên hợp vào thu hoạch lúa, hạn chế thất thoát.

Theo ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, diện tích lúa Hè Thu của địa phương là 3.800 ha; trong đó, nông dân hoàn thành thu hoạch hơn 2.800 ha, còn lại gần 1.000 ha lúa bị ngập úng chưa thể thu hoạch. Nông dân phải chờ nước rút mới có thể cắt lúa.
Nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời tranh thủ phơi lúa lúc trời có nắng. Ảnh: Kim Há-TTXVN
Nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời tranh thủ phơi lúa lúc trời có nắng. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Hiện diện tích lúa Hè Thu của xã  bị thiệt hại nặng là hơn 350 ha và còn có thể tăng lên trong những ngày tới đây.  Ông Khởi cho hay, UBND xã tích cực vận động hộ dân biện pháp khắc phục hậu quả.

Trước mắt, các hộ dân hỗ trợ, giúp nhau về ngày công và thực hiện biện pháp thủ công để thu hoạch trước những bông lúa bị sập mà máy cắt không thể làm được; đồng thời chủ động bơm nước ra sông. Khi nước rút cạn thu hoạch tiếp bằng máy cắt liên hợp.
 
Bên cạnh đó, địa phương đề xuất ngành nông nghiệp quan tâm đầu tư cho xã 2 máy bơm có công suất lớn để giúp địa phương chủ động tháo nước, chống ngập úng cho toàn bộ diện tích sản xuất lúa hai vụ trên địa bàn trong thời gian tới.

Qua thống kê  cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 26.000 ha lúa Hè Thu bị ngập, chủ yếu tập trung ở huyện Trần Văn Thời; trong đó, trên 2.800 ha diện tích lúa đổ ngã với mức thiệt hại từ 30 - 70%, có những hộ mất trắng.

Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức phân công cán bộ xuống địa bàn phối hợp các địa phương vận hành hệ thống cống tháo nước, chống ngập úng; hướng dẫn nông dân bơm tháo nước cứu ruộng lúa và tập trung huy động nguồn lực máy gặt, đập liên hợp từ các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các trà lúa Hè Thu, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời tranh thủ phơi lúa lúc trời có nắng. Ảnh: Kim Há-TTXVN
Nông dân xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời
tranh thủ phơi lúa lúc trời có nắng.
Ảnh: Kim Há-TTXVN

Tuy tình trạng ngập ruộng lúa từng bước đã được khắc phục nhưng do lượng mưa giảm trên diện rộng, mực nước trên kênh rạch, sông đang rút xuống nên tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân trong thu hoạch lúa.

Mặc dù vậy, tỉnh Cà Mau còn hơn 20.000 ha lúa ở giai đoạn từ làm đồng, ngậm sữa cho đến chín rộ. Chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tiếp tục chỉ đạo vận hành có hiệu quả hệ thống cống thoát nước trên địa bàn, tiểu vùng thủy lợi để chống ngập úng đối với diện tích trà lúa Hè Thu xuống giống muộn so với lịch thời vụ.

Các cơ quan chuyên môn tỉnh Cà Mau  hướng dẫn người dân kỹ thuật phơi sấy lúa, kết nối với thương lái và doanh nghiệp bao tiêu thu mua sản phẩm của nông dân Cà Mau.

Hiện giá lúa ở Cà Mau chưa có sự biến động lớn. Cụ thể, giá lúa thường dao động 4.500 - 4.700 đồng/kg, lúa đặc sản có giá từ 5.500 – 6.000 đồng/kg. Đây là mức giá đang có lợi cho nông dân, ông Thức cho hay./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm