Nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường

Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình . Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN
Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình . Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Mường Khụ là một vùng núi cao của huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) bao gồm ba xã: Ngọc Lâu, Ngọc Sơn, Tự Do. Nơi đây còn lưu giữ được khá đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Với những truyện cổ và điệu hát dân ca cổ như: Hát Thường Rang, Bộ Mẹng, hát Đúm giao duyên khá nổi tiếng được lưu truyền từ những năm 60, 70 thế kỷ trước. Trong các dịp vui, thanh niên, nam nữ thường hát đối thâu đêm, suốt sáng. Khi đến hát, người con trai thường xin phép bố mế trong nhà, chính quyền để hát đối. Do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, những khúc hát truyền thống này đang bị mai một dần. Chính vì thế, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều nghiên cứu, tổ chức hội thảo để "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Thường Rang, Bộ Mẹng, hát Đúm giao duyên dân tộc Mường, huyện Lạc Sơn".

Nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường  ảnh 1Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình . Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Thường Rang, Bộ Mẹng, hát Đúm - câu hát Mường cổ 

Chữ “Khụ” trong tiếng Mường được hiểu là núi, đá. Trước đây, Mường Khụ là tên gọi của ba Giáp bao gồm: Giáp trên, Giáp trong và Giáp ngoài. Nay gọi là xã Ngọc Sơn, xã Ngọc Lâu và xã Tự Do. Bộ Mẹng, Thường Rang, hát Đúm là những thể loại hát dân ca tiêu biểu của dân tộc Mường nói chung và người Mường Khụ nói riêng. Điểm chung của giai điệu Bọ Mẹng và Thường Rang đó là diễn xướng theo lối: Hát - nói - ngâm - ngợi... có tính tự sự và đối đáp giữa hai người. Giai điệu thiết tha, rất khó hát to, hát cao giọng, mang tính thính phòng, chỉ đủ cho người đối đáp hoặc người nghe trong không gian hẹp. Nhờ đó được truyền tải tối đa tâm ý người hát tới bạn hát đối và người nghe. Không có việc hát song ca, tốp ca càng không có đồng ca trong hát Thường Rang, Bộ Mẹng. Bên cạnh đó, lối hát đối giao duyên (hay còn gọi là hát Đúm) được rất nhiều người thích thú bởi người hát cần lựa chọn những từ ngữ làm sao đối đáp cho hay, cho đẹp. Hát Đúm không có nội dung cụ thể, đòi hỏi tính sáng tạo thông qua những câu từ. Dân ca Mường mỗi thể loại đều có nhạc điệu riêng, nhưng cách hát lại tùy cảm hứng, tùy đối tượng để điều chỉnh tiết tấu, cung bậc cho phù hợp. Vì vậy, dân ca Mường rất thuận lợi cho việc đặt lời và thực tế lời trong dân ca vừa tự nhiên vừa giàu nhạc điệu. Người dân Mường Khụ hiện còn lưu giữ và phát huy khá đầy đủ, đậm chất bản sắc văn hóa dân ca Mường.

Người hát Thường Rang, Bộ Mẹng ngồi đối diện với nhau qua mâm rượu, bàn uống nước hoặc xa hơn là gian trong hay gian ngoài trên nhà sàn. Đối tượng nghe chỉ hạn hẹp trên ngôi nhà sàn. Trong các ngày hội làng, hội Mường, người ta trải chiếu, bày mâm rượu hay mâm trầu ngoài bãi cỏ, dưới gốc cây phía trước khu thiết chế thờ tự như: Đền, đình... cho các cặp nam - nữ hay nam - nam hoặc nữ - nữ ngồi đối diện hát với nhau, người nghe, người “cố vấn” giúp đặt lời hay giải đáp cho người hát có thể ngồi hoặc đứng xung quanh. Vì thế, một cuộc hát Thường Rang, Bộ Mẹng nhìn bề ngoài có thể thấy rất đông người.

Gìn giữ, bảo tồn câu hát Mường cổ

Trải nghiệm trong không gian của chiếc nhà sàn cổ đầy ắp người từ già đến trẻ, ai nấy đều chăm chú, lắng nghe những giai điệu thiết tha của những cụ ông, cụ bà tuổi đã ngoài 70. Đan xen với những tiếng hát trong trẻo đó là âm thanh du dương, nhẹ nhàng của tiếng sáo, tiếng đàn bầu. Ông Bùi Văn Nghi, xóm Cối Gạo, xã Tự Do (Lạc Sơn) chia sẻ, Thông qua những lời ca tiếng hát về những tích cổ được cha ông truyền miệng về Sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, những câu truyện tình yêu đôi lứa của “Nàng Nga Hai Mối”. Mặc dù tuổi đã cao, ông Nghi vẫn đam mê những câu hát làn điệu Thường Rang. Những ca từ mang đến những lời chúc tốt lành, ý nghĩa khi gặp gỡ nhau trong cuộc vui, là những lời tâm tình, thăm hỏi ý tứ của những cô gái, chàng trai dành cho nhau. Hát Thường Rang là thể loại dân ca được ca xướng trong các dịp vui như mừng nhà mới, được mùa, cưới xin, lễ, Tết. Hát Thường Rang có nội dung ca ngợi công việc làm ăn, cách ứng xử giao tiếp, dạy bảo con cái, dặn người yêu, người thân. Thường Rang còn chứa đựng những giá trị sống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Mường”.

Chị Bùi Hải Yến, xóm Trung Sơn, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) cho biết, được sinh ra, lớn lên và sinh sống trên quê hương đất Mường. Chị rất thích thưởng thức những bài hát Mường cổ do ông cha truyền lại. Những làn điệu dân ca Mường là nét đặc trưng không thể thiếu trong những ngày Lễ, Tết trên quê hương Mường Khụ. Xuân này, mọi người sẽ hội thành phường bùa, cầm chiêng đi hát sắc bùa khắp bản làng. Nhà nào cũng háo hức để nghe tiếng chiêng sắc bùa và nhận những lời chúc tốt đẹp đầu năm từ những lời ca, tiếng hát của phường bùa. Đây được xem là những lời chúc cho một năm mới vui vẻ, cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...

Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát tiếng Mường Khụ, ông Bùi Văn Hành (Lạc Sơn) chia sẻ: Từ năm 16 tuổi, ông Hành đã ấn tượng với những câu hát đúm giao duyên. Đó là những lời tỏ tình chân thật, mộc mạc của những đôi trai gái trao cho nhau. Qua đó, đã thôi thúc ông Hành qua từng năm tháng, nung nấu ý tưởng tập hợp, thành lập Câu lạc bộ tạo sân chơi cho những yêu tiếng Mường, yêu câu hát Mường cổ, cùng nhau bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa Mường qua những lời ca, tiếng hát. Câu lạc bộ hát tiếng Mường Khụ được thành lập từ tháng 9/2020, ban đầu có 7 thành viên, hiện đã kết nạp và phát triển 22 thành viên. Câu lạc bộ là sân chơi bổ ích, thu hút những người dân có chung niềm đam mê, bảo tồn và giữ gìn những câu hát Mường cổ. Mỗi tháng một lần, các thành viên trong Câu lạc bộ lại tập trung sinh hoạt theo các chủ đề khác nhau. Theo đó, những người lớn tuổi sẽ truyền dạy cho con cháu về những lời cả, tiếng hát của người Mường cổ thông qua những tích cổ được truyền từ đời này qua đời khác.

"Di sản văn hóa hát Thường Rang, Bọ Mẹng, hát Đúm đã đáp ứng được tiêu chí là một di sản của dân tộc Mường ở các tiêu chí: Tính đại diện thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương (chỉ có ở dân tộc Mường); sự đa dạng văn hóa trong sáng tạo của con người, thể hiện qua nhiều thế hệ; khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, thừa hưởng và đề cử bảo vệ. Từ đó, ngành Văn hóa đã có kế hoạch nghiên cứu, triển khai các đề án, sưu tầm, biên dịch, tập hợp các bài hát Thường Rang - Bộ Mẹng, hát Đúm giao duyên... để bảo tồn, gìn giữ và phát triển cho thế hệ sau", Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình Bùi Thị Niềm nhấn mạnh.

Thanh Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm