Nỗ lực xóa bỏ "điểm nóng" Hang Kia - Pà Cò (Bài 1)

Hang Kia - Pà Cò nhin từ trên cao. Ảnh: dangcongsan.vn
Hang Kia - Pà Cò nhin từ trên cao. Ảnh: dangcongsan.vn

Hang Kia, Pà Cò là hai xã vùng cao thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, với dân số gần 6.000 người, trong đó, dân tộc Mông chiếm 98,83%. Hơn 10 năm trước, đây là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao; hạ tầng kinh tế, xã hội nhiều khó khăn. Nhận thức về pháp luật của nhân dân còn thấp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tội phạm ma túy diễn biến phức tạp.

Ngày 14/01/2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án 03-ĐA/TU về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò. Qua 10 năm thực hiện Đề án, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn. Hệ thống chính trị tại hai xã hoạt động hiệu quả ...

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, chính quyền địa phương tỉnh Hòa Bình đã phải bỏ biết bao công sức, thậm chí cả máu. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết "Nỗ lực xóa bỏ 'điểm nóng' Hang Kia - Pà Cò", phản ánh sự quyết tâm cũng như thành quả của chặng đường gian truân này.

Bài 1: Chặng đường 10 năm quyết tâm

Hơn 10 năm trước, địa danh hai xã Hang Kia - Pà Cò của huyện Mai Châu (Hòa Bình) được coi là "thủ phủ" ma túy, điểm nóng về an ninh, trật tự. Việc thực hiện Đề án số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, có thể nói đã tạo ra bước chuyển mình ngoạn mục trong quá trình thay đổi tổng thể sự phát triển của hai xã, là “chìa khóa” để giải quyết khó khăn. Đó chính là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, việc nâng cao chất lượng lãnh đạo của hai Đảng bộ xã, tăng cường công tác cán bộ đủ năng lực để làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Nỗ lực xóa bỏ "điểm nóng" Hang Kia - Pà Cò (Bài 1) ảnh 1Hang Kia - Pà Cò nhin từ trên cao. Ảnh: dangcongsan.vn

"Điểm nóng" một thời

Hang Kia, Pà Cò là hai xã đồng bào Mông, cách trung tâm huyện Mai Châu khoảng 50 km, cách thành phố Hòa Bình khoảng 100 km về phía Tây Bắc, giáp ranh với xã Lóng Luông và Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét gây sạt lở, mùa khô gây hạn hán kéo dài, mùa đông thường xuyên rét đậm, sương mù dày đặc gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con nhân dân. Đường giao thông đến trung tâm hai xã là con đường độc đạo, hạn chế giao lưu với các xã lân cận. 10 năm về trước, đây là hai địa danh nổi tiếng trong “cuộc chiến đẫm máu” và khốc liệt giữa lực lượng an ninh với các đối tượng mua bán ma túy tại địa bàn. Mùa xuân năm đó, ba chiến sĩ Công an đã hy sinh trong cuộc chiến tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò Hàng A Phứ nhớ lại: "10 năm trước, tôi nhận nhiệm vụ lên xã Pà Cò đề làm việc. Thời điểm đó, chỉ nghe tên hai địa danh Hang Kia, Pà Cò là nhiều người lắc đầu với nỗi khiếp sợ, bởi trong tiềm thức của nhiều người đây được coi là “lãnh địa” của thuốc phiện và của những hủ tục lạc hậu. Là người địa phương được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ về “cắm bản” cùng bà con từng bước thực hiện Đề án 03, giờ nhớ lại, thật sự là những ngày tháng không thể nào quên".

Năm 2009, hai xã Hang Kia, Pà Cò đều là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình, thu nhập bình quân đầu người thấp (3,6 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo còn cao (xã Pà Cò 39%, xã Hang Kia 38%), một số hộ vẫn còn tái trồng cây anh túc. Sản xuất chủ yếu là thuần nông. Đường đến các bản do dân tự mở còn 18 km chưa được cải tạo nâng cấp. Số người tái mù chữ chủ yếu là phụ nữ tăng. Hệ thống truyền thanh truyền hình và viễn thông tỷ lệ phủ sóng rất ít. Nước sinh hoạt là một thứ “xa xỉ” với người dân ở đây do chưa có hệ thống nước sạch được cung cấp. Hoạt động y tế chăm sóc sức khỏe còn chưa được quan tâm và còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình hình tranh chấp đất đai giữa hai xóm Là Háng Lớn của xã Pà Cò với xã Lóng Luông của huyện Mộc Châu (Sơn La) nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện tượng vi phạm pháp luật về ma túy có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều đối tượng bị truy nã đặc biệt. Một số hoạt động mê tín dị đoan vẫn còn diễn ra. Đáng chú ý là các loại tội phạm đã lợi dụng lôi kéo con, cháu của một số cán bộ, đảng viên tham gia phạm tội.

Từng bước xóa sổ "điểm nóng"

Trước những diễn biến đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và sự quan tâm của Trung ương trong Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 13/4/1994 của Ban Bí thư về công tác ở vùng dân tộc Mông, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đã nhiều lần họp bàn để đánh giá thực trạng, tìm cách tháo gỡ và quyết tâm hướng về Hang Kia, Pà Cò đưa “chảo lửa" ma túy trở lại cuộc sống bình yên, phát triển. Ngày 14/01/2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Đề án 03-ĐA/TU về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò.

Mục tiêu chính của Đề án tập trung vào 6 vấn đề chủ yếu gồm: Củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; giữ vững, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường cán bộ chủ chốt. Qua đó, tỉnh Hòa Bình đã tăng cường thêm mỗi xã một Phó Chủ tịch UBND xã là sĩ quan Công an huyện và Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Hai đồng chí đều là người dân tộc Mông và quê tại đây, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình, được nhân dân tín nhiệm.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò Hàng A Phứ chia sẻ: "Những ngày đầu mới đảm nhận công việc, mặc dù là người địa phương nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi cũng đã gặp không ít khó khăn. Từ một Trung úy quân đội, giờ phải phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội của xã mình, tôi đã phải tự nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là trong các tình huống hòa giải, xử lý tranh chấp đất đai, nạn tảo hôn, tệ nạn trồng cây thuốc phiện và tàng trữ ma túy… Pà Cò và Lóng Luông là hai xã giáp nhau nhưng lại là địa giới hành chính của tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Từ năm 2000, việc tranh chấp đất đai đã xảy ra, mặc dù đã được lãnh đạo hai tỉnh quan tâm giải quyết nhưng lác đác vẫn còn tình trạng thanh niên và bà con hai xã gây gổ mâu thuẫn với nhau. Trước tình hình đó, các cấp chính quyền xã đã kiên trì vận động, giải thích pháp luật cho bà con để hiểu và không gây gổ mất trật tự an ninh".

Nỗ lực xóa bỏ "điểm nóng" Hang Kia - Pà Cò (Bài 1) ảnh 2Ngày 19/11/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Hờ A Đua (sinh năm 1991) trú tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hờ A Đua mức án tù chung thân được quy định tại điểm b, khoản 4, điều 251 Bộ Luật hình sự năm 2015. Ảnh: Vũ Hà- TTXVN

Năm 2010, là lãnh đạo phụ trách văn hóa tại xã Hang Kia, anh Vàng A Nhà đã đề xuất với lãnh đạo Công an huyện, lãnh đạo xã thành lập dòng họ tự quản về an ninh trật tự. Anh đã tự soạn quy ước bằng tiếng Mông, mở các Hội nghị, mời những người già có uy tín trong dòng họ để thảo luận quy ước đó và đưa vào thực hiện. Mục đích là bài trừ tệ nạn ma túy, nạn tảo hôn và tệ nạn mê tín dị đoan, đối với những trường hợp manh động, cầm đầu và tham gia mua bán, sử dụng ma túy đều bị dòng họ lên án, tố cáo và bị bắt giữ. Với những đối tượng bị lôi kéo, anh Nhà đã kiên trì cùng trưởng các dòng họ vận động, tuyên truyền để những người có sự ăn năn hối cải trở về cuộc sống lương thiện. (Xem tiếp Bài 2: Kết quả của ý Đảng hợp lòng dân)

Thanh Hải - Thanh Huyền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm