Nỗ lực xóa bỏ "điểm nóng" Hang Kia - Pà Cò (Bài 2)

 Nỗ lực xóa bỏ "điểm nóng" Hang Kia - Pà Cò (Bài 2)

Bài 2: Kết hợp của ý Đảng hợp lòng dân

Qua 10 năm thực hiện Đề án số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hai xã Hang Kia - Pà Cò, giai đoạn 2010 - 2020, hệ thống chính trị hai xã được kiện toàn, củng cố, bộ máy chính quyền hoạt động đi vào nề nếp, hiệu lực lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền được nâng lên. Đề án đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án về phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, cơ sở vật chất tại hai xã. Đời sống của đồng bào Mông được cải thiện. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, trật tự xã hội đảm bảo. Tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy được kiềm chế.

 Nỗ lực xóa bỏ "điểm nóng" Hang Kia - Pà Cò (Bài 2) ảnh 1Lãnh đạo Bộ Công an, UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND tỉnh Hoà Bình trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chị Khà Y Sáng ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hoà Bình). Ảnh: Vũ Hà/TTXVN

Kết quả của ý Đảng hợp lòng dân

Đến nay, hệ thống chính trị ở hai xã đã được kiện toàn, củng cố, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là số đảng viên tăng cao, Đảng bộ xã Pà Cò hiện có 10 chi bộ, với 191 đảng viên (tăng 85 đảng viên so với 10 năm trước); Đảng bộ xã Hang Kia có 10 chi bộ, với 142 đảng viên (tăng 65 đảng viên so với năm 2010). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho hai xã được Ban Chỉ đạo Đề án quan tâm và triển khai thực hiện, đã có 5 lớp bồi dưỡng cán bộ văn hóa tại 2 xã, 236 lượt cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách được đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị. Công an tỉnh Hòa Bình tuyển dụng 5 trường hợp là con em dân tộc Mông đi đào tạo cho cơ sở. Nhiều cơ sở hạ tầng được Nhà nước và tỉnh đầu tư thực hiện như hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế… với số tiền hơn 228 tỷ đồng.

Về công cuộc tìm hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân, ông Vàng A Nhà, nguyên Phó Chủ tịch xã Hang Kia chia sẻ, qua thời gian nghiên cứu cặn kẽ, chính quyền và người dân trong xã đã tìm hiểu giống ngô phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng, đồng thời phối hợp với các ban, ngành trao đổi với công ty cung cấp giống trước cho bà con, đến mùa thu hoạch bà con sẽ trả lại…

Công sức của Ban lãnh đạo xã đã được đền đáp khi ngô trổ hạt và trở thành một trong những cây trồng chính ở xã. Hướng đi phát triển nông nghiệp bền vững đã tạo sức bật để thay đổi bộ mặt kinh tế của hai xã. Người dân đã được hưởng lợi rất nhiều. Các em nhỏ được đi học đầy đủ...

Những ngày này, có dịp công tác tại xã Pà Cò, chúng tôi đã cảm nhận được sự phấn khởi của người dân nơi đây từ những việc làm nhỏ nhất. Chị Hàng A Tếnh, xã Pà Cò rất vui vì trong ngày chị nhận được bằng lái xe máy. Chị Tếnh chia sẻ, nhờ có sự quan tâm của chính quyền xã, chị em tuy không biết chữ, nhưng được cán bộ tuyên truyền pháp luật về giao thông bằng tiếng Mông nên đã hiểu về luật. Mình và các chị em trong bản không còn cho con cái điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi tham gia giao thông nữa. Các chị còn được cán bộ hướng dẫn và giúp đỡ thi thực hành để được cấp giấy phép lái xe.

Sau 10 năm, việc đầu tư phát triển sản xuất và nâng cấp thu nhập cho người dân đã thu được những kết quả cao. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tập huấn, nhiều mô hình chăn nuôi đã có hiệu quả như: Mô hình nuôi gà H’Mông, gà thả vườn, lợn bản địa, Bò H’Mông, trồng cây mận hậu, cây đào, trồng cây xoan lai... đã làm cho đời sống của nhân dân tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, mô hình Homestay đã được nhân rộng và phát triển đem lại nguồn thu nhập đáng kể, nâng cao nhận thức cho bà con trong việc giao tiếp tiếng phổ thông và giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sống. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người xã Pà Cò đạt 15,22 triệu đồng/người/năm, xã Hang Kia đạt 16,685 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo xã Pà Cò giảm từ 39% xuống còn 29%, xã Hang Kia giảm từ 38% xuống còn 29,6%.

 Nỗ lực xóa bỏ "điểm nóng" Hang Kia - Pà Cò (Bài 2) ảnh 2Những năm gần đây, người Mông thuộc 2 xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững. Hiện mô hình đang thu hút du khách, tạo nguồn thu và góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình là gia đình ông Khà A Lứ (54 tuổi), hộ dân đầu tiên của xã Hang Kia được Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên giao quản lý hàng trăm ha rừng nguyên sinh phía sau nhà. Để chủ động bảo vệ "tài sản” của mình, ông Lứ đã đến từng nhà, gặp từng người trong thôn, bản và các xóm lân cận tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng lấy gỗ, lấy củi. Trong ảnh: Vợ chồng ông Khà A Lứ cùng cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên kiểm tra rừng được giao. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN

Đại tá Quách Đăng Phú, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình cho biết, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan thường trực của Đề án. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã cử cán bộ quân sự về tham gia Đảng ủy xã, tổ chức cho cán bộ chiến sỹ hành quân dã ngoại về bám bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, phá bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng phát triển khoa học kỹ thuật. Đời sống nhân dân từng bước nâng lên, nhiều hủ tục bị xóa bỏ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước… góp phần khẳng định tính đúng đắn của Đề án.

Nâng cao chất lượng cuộc sống, gìn giữ bản sắc dân tộc

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, bản Mông của hai xã Hang Kia - Pà Cò lại rộn vang tiếng cười, tràn đầy sinh khí trong Lễ hội Gầu Tào. “Vùng đất dữ” hoang vu xưa kia được khoác lên mình màu trắng của hoa mận, màu vàng của những đồi ngô trĩu hạt. Những cái Tết không còn là của riêng bản Mông này nữa, mà là của những đoàn xe mang đến những món quà của Đảng, của tình đoàn kết dân tộc từ mọi miền của Tổ quốc để cùng bà con ở đây vui đón Tết.

Những kết quả đó đã khẳng định, chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Trong quá trình triển khai, thực hiện, các cấp, các ngành và nhân dân đồng thuận cao, tranh thủ được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương. Cả hệ thống chính trị đã được huy động cùng tham gia, đặc biệt, vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án trong việc phối hợp triển khai thực hiện.

 Nỗ lực xóa bỏ "điểm nóng" Hang Kia - Pà Cò (Bài 2) ảnh 3Nhờ vốn vay 50 triệu chương trình giải quyết việc làm, gia đình chị Sùng Y Nhừ ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình có điều kiện phát triển nghề sản xuất vải thổ cẩm, gia đình có việc làm ổn định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Để tiếp tục phát triển hai xã Hang Kia, Pà Cò trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Hòa Bình đã thực hiện xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền gắn với phát triển kinh tế - xã hội hai xã Hang Kia, Pà Cò. Đề án đề ra 6 mục tiêu cụ thể, trong đó tập trung vào việc nâng cao nâng lực lãnh đạo của Đảng ủy và các Chi bộ, công tác quản lý, điều hành của chính quyền và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, công tác xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước; xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội. Đề án giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đề án thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, khơi dậy bản sắc văn hóa truyền thống, chống các hủ tục lạc hậu; động viên nhân dân xây dựng làng, bản văn hóa, gia đình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Đề án tiếp tục củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hai xã vững mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, qua 10 năm thực hiện Đề án 03, chất lượng cuộc sống của người dân, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn. Hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị tại hai xã được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy được kiềm chế... Vì vậy, để kế thừa Đề án 03, việc xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền gắn với phát triển kinh tế, xã hội hai xã Hang Kia, Pà Cò là rất cần thiết.

Đường về bản Hang Kia, Pà Cò đã không còn xa nữa. Những ngôi nhà sàn khang trang đã được dựng lên nhờ nguồn thu nhập từ chính sức lực của người dân qua việc phát triển kinh tế như: Trồng đào, trồng ngô và nuôi bò…. Những đứa trẻ nô đùa dưới ánh nắng. Những nụ cười và những cái bắt tay nồng ấm khi đón đoàn công tác của tỉnh về thăm bản. Trái tim của bà con ở đây luôn dành trọn niềm tin cho Đảng. (Hết)

Thanh Hải - Thanh Huyền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm