Tạo những mô hình sinh kế bền vững giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới giảm nghèo, phát triển kinh tế là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước. Chiến lược ý nghĩa đó dù vẫn còn những thách thức, song đang đạt được nhiều thành tựu lớn. Từng bản làng nghèo, từng số phận đặc biệt khó khăn đang giảm dần, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đang ngày càng cải thiện, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền đang được nỗ lực từng bước thu hẹp...
Hướng thoát nghèo ở xã biên giới
Bản Pờ Nhù Khò, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Từ tháng 9 năm 2021, ở mảnh đất “một tiếng gà gáy, ba nước Việt - Trung- Lào cùng nghe” này, vợ chồng Lý Trùy Lòng, người dân tộc Hà Nhì đã trồng hơn 2 vạn cây quế trên vạt đất dốc bỏ hoang. Theo tính toán của vợ chồng Lý Truỳ Lòng, họ mua hơn 2 vạn cây quế giống với giá là 1.800 đồng/cây. Nếu vườn quế phát triển tốt thì đến năm 2025 sẽ thu hoạch từ 240.000 đồng đến 300.000 đồng/cây.
“Sau khi trừ chi phí, lãi sẽ vào khoảng 300 triệu đồng”, Lỳ Trùy Lòng nhẩm tính rồi kể, tháng 11/2021, người dân bản Pờ Nhù Khò được tập huấn cách trồng và chăm sóc cây mắc ca. Cán bộ nông nghiệp huyện nói trồng cây mắc ca theo công nghệ cao ở Mường Nhé rất có hiệu quả kinh tế và lợi ích.
Nói về việc thí điểm trồng cây mắc ca, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ cho biết, là xã biên giới, đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm 96%, tỷ lệ hộ nghèo của Sín Thầu hiện vẫn hơn 20%. Sín Thầu là địa phương được huyện chọn làm điểm chương trình phát triển kinh tế - xã hội trồng thí điểm 131 ha trên tổng số hơn 1.000 ha cây mắc ca. Hiện nay, chính quyền huyện và xã đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương đăng ký tham gia trồng mắc ca với mong muốn nâng mức sống, góp phần giúp bà con dân tộc thiểu số Hà Nhì phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Bày tỏ lạc quan về giống cây mới đưa về trồng ở Mường Nhé, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng nhấn mạnh, năm 2019, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé với tổng diện tích hơn 1,1 vạn ha, chia làm hai giai đoạn. Quá trình thực hiện dự án dù có một số khó khăn về thủ tục liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng khiến tiến độ có chậm so với kế hoạch đề ra nhưng những khó khăn này đang được tháo gỡ. Qua đánh giá cho thấy, cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai trên địa bàn huyện.
“Sau khi trồng khoảng 3 năm, cây sẽ cho quả và càng về sau sẽ cho quả càng nhiều nên giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại rất lâu dài, có triển vọng mang lại nguồn thu lớn cho người dân”- ông Nguyễn Quang Hưng khẳng định.
Chia sẻ về mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Mường Nhé, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết: Với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 694.753 ha (chiếm 72,8% tổng diện tích tự nhiên), tỉnh Điện Biên tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai để đẩy mạnh tái cơ cấu nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, đẩy mạnh việc phát triển cây mắc ca và các loại cây công nghiệp có giá trị như cây cà phê, chè cây cao và duy trì diện tích cây cao su trên địa bàn.
Đến nay đã có 9 dự án trồng cây mắc ca theo chuỗi liên kết gắn với chế biến, tiêu thu sản phẩm được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng quy mô trồng được phê duyệt triển khai thực hiện 47.296 ha tại một số huyện của Điện Biên. Một số nhà đầu tư cũng đang tiếp tục quan tâm, tìm hiểu, khảo sát, đề xuất lập dự án đầu tư trồng cây mắc ca tại Điện Biên- ông Lê Thành Đô cho biết.
Kỳ vọng vào cây mắc ca sẽ là cây trồng đa mục đích, chủ lực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Nhé phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả có cơ sở khi thực tế những năm gần đây, chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Điện Biên nói chung và huyện nghèo Mường Nhé đã chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của Điện Biên đang giảm xuống. Năm 2021, có khoảng 6.680 hộ dân ở Điện Biên đã vượt qua ranh giới đói nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 26,76% (giảm 3,21% so với năm 2020), riêng tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm còn 38,64% (giảm 4,5% so với năm 2020).
Những con số “biết nói”
Huyện Mường Nhé và Điện Biên chỉ là một trong những điểm sáng trong nỗ lực, quyết tâm giảm nghèo của cả nước thời gian qua. Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, các phong trào, mô hình sinh kế mới, các cách làm ăn hiệu quả mà vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới của cả nước dù vẫn còn nhiều thách thức, song đã giảm dần từng bản làng đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của bà con đang không ngừng được cải thiện.
Điều đó đã được cụ thể bằng những “con số biết nói.” Đó là năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam còn tới 58,1% nhưng đến năm 2015 đã giảm xuống còn 9,88%. Tới năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ là 3,75% và năm 2020 còn 2,75%. Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong những năm gần đây như huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai giảm 40,66%; huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai giảm 39,96%; huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái giảm 34,51%; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giảm 33,52%. Thời gian qua xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương sáng nổi bật của đồng bào miền núi, biên giới về thoát nghèo như trường hợp cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái...
Đánh giá về công tác xóa đói giảm nghèo của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cũng cho thấy, để đáp ứng nguyện vọng thoát nghèo của các "vùng lõi nghèo" trên toàn quốc, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, với mục tiêu không chỉ đảm bảo thu nhập tối thiểu mà còn hỗ trợ để cải thiện mức độ tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông...
Giai đoạn 2016-2020, dù Việt Nam gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội, đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN.
Sự quan tâm đặc biệt đến phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi càng mạnh mẽ hơn khi tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều với tổng nguồn vốn thực hiện tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Trong các mục tiêu cụ thể của chương trình, đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Đưa tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Vì một Việt Nam không còn đói nghèo
Theo ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, hiện nay vẫn còn những huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, đặc biệt là tỉ lệ hộ nghèo cao. Một số nơi có tỉ lệ hộ nghèo còn trên 40% như huyện Mường Nhé (Điện Biên), huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) hay huyện Đồng Văn (Hà Giang)...
Vì vậy với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giai đoạn tới, công tác giảm nghèo sẽ tập trung nguồn lực lớn để giải quyết. Hai giải pháp trọng tâm là đầu tư nâng cao năng lực cho người nghèo thoát nghèo bền vững; đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho vùng lõi nghèo phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, liên kết vùng.
Khẳng định chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước trong công tác giảm nghèo, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Trong đó bao gồm cả những đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, kể cả những ảnh hưởng do COVID-19, đối tượng nghèo ở cả nông thôn và thành thị, chú trọng những địa bàn còn nhiều khó khăn. Còn Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về cơ bản là tách một phần đối tượng và địa bàn từ chương trình giảm nghèo hiện nay, phạm vi tập trung đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giai đoạn 2021- 2025 cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần gắn với mục tiêu phát triển bao trùm bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Giai đoạn này Việt Nam vừa giảm về tỷ lệ hộ nghèo nhưng đồng thời quan tâm giảm hộ nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, với tổng vốn đầu tư gần 138.000 tỷ đồng, đây là lần đầu tiên Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được ban hành. Điều đó một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành ưu tiên cao đối với chính sách dân tộc và luôn luôn được bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, nhất là niềm mong mỏi về sự phát triển của tất cả các dân tộc trên cả nước.
Hạnh Quỳnh