Kiểm tra chất lượng “bom hạt giống”. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Vườn Quốc gia Núi Chúa có hệ sinh thái khô hạn, mùa mưa ở khu vực này thường đến muộn hơn so với các vùng khác trong tỉnh và kết thúc cũng sớm hơn, bắt đầu khoảng tháng 9 -10 và kết thúc khoảng tháng 12. Thêm vào đó, khu vực này không có suối lớn, chỉ có một số suối nhỏ, ngắn đến mùa khô gần như cạn kiệt. Theo các chỉ số nhiệt và mưa hàng tháng, khu vực này có 9 tháng khô, 4 tháng hạn và 2 tháng kiệt, được xếp vào loại khô hạn nhất ở Việt Nam hiện nay. Ông Trần Văn Tiếp, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa cho biết, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, việc tái sinh tự nhiên rừng tại khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa gặp nhiều khó khăn. Có năm, mùa mưa ngắn nên không đủ thời gian cho việc trồng rừng, cây con chưa ổn định mùa khô hạn đã đến khiến cây trồng bị héo khô vì thiếu nước. Ngoài ra, địa hình đồi núi khá phức tạp gây nhiều khó khăn cho việc thiết kế khu vực rừng trồng, cũng như công tác chuẩn bị trồng rừng bị hạn chế rất nhiều. Do đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp tạo “bom hạt giống” để tái sinh rừng tự nhiên. Cách tạo “bom hạt giống” rất đơn giản, chỉ cần trộn đất sét với phân và chút nước nhào kỹ bằng tay, sau đó cho hạt cây rừng cần trồng vào giữa rồi vo viên lại. “Bom hạt giống” sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, chúng nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước. Do được đất bao bọc bên ngoài, hạt giống không bị côn trùng hay kiến ăn. Tỷ lệ nảy mầm cao hơn. “Bom hạt giống” khá nhỏ gọn nên dễ dàng vận chuyển khi đi rừng. Để tiết kiệm nhân công, cán bộ Vườn Quốc gia Núi Chúa khi đi kiểm tra rừng, trồng rừng mang theo bom hạt, ném tại các khu vực rừng đi qua. Khách du lịch khi tham gia du lịch trải nghiệm sẽ được tặng “bom hạt giống” mang theo trong chuyến đi và sẽ được hướng dẫn viên du lịch chỉ dẫn khu vực ném “bom hạt giống” phù hợp với điều kiện phát triển của từng giống cây chứa trong bom hạt. Công nhân trồng rừng khi đi lên rừng làm việc sẽ được phát “bom hạt giống” mang theo và ném trên quãng đường di chuyển. Việc ứng dụng “bom hạt giống” giúp giảm thiểu rủi ro, cây giống trong bom hạt chỉ mọc khi gặp điều kiện thuận lợi, sau khi cây con mọc có sẵn một lượng dinh dưỡng là phân ủ trộn với đất đủ để cây phát triển ban đầu. Mùa mưa kéo dài khoảng 2 – 3 tháng đủ để cây con cứng cáp, khi mùa khô hạn đến sức chống chọi của cây con cũng mạnh hơn. Hoặc có thể linh động thời gian, ngay cả mùa khô cũng có thể mang bom hạt giống đi ném trên rừng, hạt giống nằm im trong lớp đất đợi khi có mưa sẽ nảy mầm, phát triển.
“Bom hạt giống” có thành phần gồm đất trộn phân bò ủ, hạt giống cây tra ở giữa rồi vo viên. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Ông Trần Văn Tiếp cho biết, trong năm 2018, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã cấp phát gần 1.000 “bom hạt giống” cho cán bộ kỹ thuật, kiểm lâm và du khách ném tại các khu vực đất trống trên rừng trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, những nơi đã ném “bom hạt giống” cây mọc lên tươi tốt và xanh rì. Trong năm 2019, đơn vị sẽ tiến hành thu hạt tất cả các loài cây bản địa ở nhiều sinh cảnh rừng khách nhau, tiến hành thiết kế, theo dõi và đánh giá sâu việc tái sinh rừng trên các lô đất trống này sau khi thực hiện bằng "bom hạt giống". Ghi nhận từ các kết quả ban đầu, sử dụng “bom hạt giống” có nhiều ưu điểm, phù hợp với tình hình thực tế trồng rừng của khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa hiện nay, giúp khắc phục những khó khăn về điều kiện khí hậu cũng như tiết kiệm nhân lực, chi phí khi tái sinh rừng. Đặc biệt, chi phí tạo ra “bom hạt giống” rất rẻ, có thể tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương như đất sét, hạt giống tự thu hái trên rừng, phân bò ủ hoai. Ứng dụng “bom hạt giống” góp phần làm đa dạng, phong phú thêm nguồn cây giống giúp tái sinh tự nhiên rừng tốt hơn. Trong thời gian tới, bên cạnh việc nghiên cứu, nhân giống các loài cây trồng có khả năng chịu hạn, cho giá trị kinh tế cao để trồng rừng. Vườn Quốc gia Núi Chúa tiếp tục ứng dụng mô hình “bom hạt giống” để tận dụng các loại cây đặc hữu của Vườn, tái sinh bằng hạt, có khả năng chịu hạn cao tiến hành nhân rộng cho toàn Vườn và các lâm phần lân cận khác để phát triển diện tích rừng tự nhiên.
Nguyễn Thành