Ninh Thuận phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Ninh Thuận phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Mặc dù các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm ở địa phương đang được kiểm soát tốt nhưng do thời tiết biến động bất lợi, các loại mầm bệnh có điều kiện phát triển, gây bệnh cho vật nuôi và nguy cơ phân tán, lây lan cao. Chính vì vậy, từ nay đến cuối tháng 11, tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Ninh Thuận phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ảnh 1Cán bộ thú y huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) tiêm phòng cho đàn gia cầm người dân xã Lương Sơn. Ảnh: baoninhthuan.com.vn

Theo đó, Ninh Thuận tập trung thực hiện đồng bộ việc tiêu độc khử trùng cho các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; chăn nuôi hộ gia đình; các cơ sở giết mổ và các chợ buôn bán gia súc, gia cầm với tần suất cao 2 lần/tuần nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường; nhất là virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, bệnh dại vật nuôi…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, việc tổ chức tiêu độc khử trùng dịch bệnh gia súc, gia cầm được thực hiện đồng bộ giữa các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật từ tỉnh đến cơ sở dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự giám sát, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Trên cơ sở đó, các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tập trung thực hiện tiêu độc khử trùng có trọng điểm, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả dịch bệnh; đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm trong quá trình thực hiện tiêu độc khử trùng.

Những ngày qua, toàn bộ thuốc sát trùng (hóa chất Benkocid) được tỉnh hỗ trợ đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuyển về cho các địa phương đầy đủ theo đúng nhu cầu đăng ký. Riêng vôi tiêu độc, khử trùng, các địa phương tự chủ động kinh phí ngân sách mua cấp phát. Các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí để tiêu độc khử trùng với sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan thú y.

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ, thời gian qua, mặc dù địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm cho đàn gia súc, gia cầm nhưng, riêng với dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện và gây bệnh cho hơn 4.700 con trên tổng đàn 18.802 con ở 47 xã, thị trấn của 7 huyện trong tỉnh.

Toàn tỉnh cũng đã tiêu hủy 337 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, ước thiệt hại trên 5,3 tỷ đồng, chưa kể kinh phí điều trị và tiêu hủy gia súc chết buộc tiêu hủy tại các địa phương.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm