Ninh Thuận phát triển và nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm hùm

Ninh Thuận phát triển và nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm hùm
Mặc dù không có diện tích nuôi tôm hùm lớn như các tỉnh khác ở miền Trung, nhưng Ninh Thuận có những thuận lợi riêng về điều kiện tự nhiên và nguồn giống để nhân rộng và phát triển nghề nuôi tôm hùm thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
Hình minh họa - Tôm hùm thương phẩm. Ảnh: Thế Lập – TTXVN
Hình minh họa - Tôm hùm thương phẩm. Ảnh: Thế Lập – TTXVN

Có kinh nghiêm hơn 15 năm nghề nuôi tôm hùm, ông Phan Văn Hoa (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết, môi trường biển, nhiệt độ và độ mặn tại một số khu vực thuộc vùng biển Ninh Thuận rất thích hợp để nuôi tôm hùm lồng. Chi phí đầu tư cho một ô lồng bao gồm phi, khung cây, lưới dây khoảng 10 triệu đồng, giống khoảng 40 triệu đồng, thức ăn cho một con tôm từ khi bắt đầu nuôi đến khi thu hoạch (trong thời gian từ 10 đến 12 tháng) từ 80.000 - 100.000 đồng.

Thức ăn cho cho tôm hùm cũng khá dễ kiếm vì tôm hùm ăn tạp chủ yếu ăn các loại cá tạp, cua, ghẹ xay, nên người nuôi không tốn nhiều chi phí về thức ăn. Để tôm hùm lớn nhanh mà không bị bệnh người nuôi cần thường xuyên làm vệ sinh lồng bè, căn thả mật độ nuôi hợp lý. Trong thời gian từ 10 đến 12 tháng, khi tôm hùm đạt trọng lượng từ 3 con/kg thì có thể xuất bán.

Theo ông Hoa, những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm xanh khá ổn định, hiện giá bán bình quân từ 700.000 - 750.000 đồng/kg (tùy theo trọng lượng con tôm). Thậm chí, có thời điểm bán giá 950.000 đồng/kg, tôm hùm được các thương lái về tận bãi biển thu mua, năng suất và sản lượng đạt cao. Thu nhập của người nuôi tôm hùm ổn định, cao gấp 2 đến 4 lần so với nuôi trồng đối tượng hản sản khác.

Trước đây, gia đình ông bắt đầu nuôi thử nghiệm vài lồng, đến nay nhân rộng lên 40 lồng nuôi, mỗi năm xuất bán 4 lần, mỗi lần khoảng 3.000 con tôm hùm, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu từ 600 đến 800 triệu đồng. Hiện vụ này, ông đang xuất bán khoảng 5.000 con tôm hùm xanh.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, tỉnh hiện có 650 lồng/132 bè nổi nuôi tôm hùm, các bè tập trung chủ yếu tại khu vực vịnh Phan Rang, vịnh Vĩnh Hy, khu vực biển Mỹ Tân. Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tuy nhiên, do giống tôm hùm bông khai thác từ tự nhiên khan hiếm và giá bán cao, thời gian nuôi dài, chi phí đầu tư lớn và giá bán dễ bị biến động nên nhiều hộ thả nuôi tôm hùm xanh, vừa dễ nuôi, ít bị biến động giá, thời gian nuôi ngắn và chi phí đầu tư thấp nên tỷ lệ thành công cao. Hiện giá bán tôm hùm bông dao động từ 1.700.000- 2.500.000 đồng/kg; tôm hùm xanh từ 700.000 - 750.000 đồng/kg. Vụ tôm năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, tôm bán được giá nên nhiều hộ nuôi tôm hùm có thu nhập khá.

Hiện nay, để chủ động cung cấp nguồn giống tôm hùm cho các hộ nuôi, một số chủ lồng bè ở Ninh Thuận đang phát triển mô hình mua giống tôm hùm từ Indonesia về ương thả ngay tại khu vực nuôi lồng bè của ngư dân. Một trong những người đi tiên phong trong phát triển mô hình cung cấp tôm hùm giống tại chỗ, anh Tài Thanh Khán (Xã An Hải, huyện Ninh Phước) cho biết, trước đây, các chủ lồng bè thường phải ra Cam Ranh – Khánh Hòa để mua tôm về nuôi.

Để tạo thuận lợi cho bà con không phải đi xa lấy giống, cũng như phải lo hao hụt khi nhập giống về nên anh đầu tư khu lồng bè tại khu vực vịnh Phan Rang để ương dưỡng với trên 20.000 con tôm hùm xanh và tôm hùm bông. Trong khoảng thời gian từ 15 - 20 ngày từ khi nhập về, tôm khỏe quen với môi trường nước bà con có nhu cầu có thể mua về nuôi.

Có thể nói, những năm gần đây, nhờ hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm hùm nên đời sống của nhiều ngư dân được cải thiện đáng kể. Nghề nuôi tôm hùm phát triển đã góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế về môi trường biển, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương. Trong thời gian tới, để nghề nuôi tôm hùm mang lại hiệu quả và bền vững, ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận cùng ngư dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, chủ động trong việc cung cấp giống, tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi, kỹ thuật thiết kế lồng bè, kiểm soát dịch bệnh, tổ chức tốt từ khâu chọn giống, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, liên kết thị trường tiêu thụ để nghề nuôi tôm hùm ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguyễn Thành 
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm