Ninh Thuận nhiều giải pháp phát triển kinh tế trong giai đoạn mới

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra, rà soát để tháo gỡ khó khăn cho dự án khu du lịch Bình Tiên, huyện Thuận Bắc. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra, rà soát để tháo gỡ khó khăn cho dự án khu du lịch Bình Tiên, huyện Thuận Bắc. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Để thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, hạn hán hiệu quả, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chủ động bám sát các Nghị quyết của Trung ương; sáng tạo điều chỉnh kịch bản tăng trưởng phù hợp với thực tế; đồng thời đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện.

Ninh Thuận nhiều giải pháp phát triển kinh tế trong giai đoạn mới ảnh 1Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận kiểm tra, rà soát để tháo gỡ khó khăn cho dự án khu du lịch Bình Tiên, huyện Thuận Bắc. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách luôn được tỉnh chú trọng.

Để triển khai tốt nhiệm vụ này, UBND tỉnh đã kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động; chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; kiểm tra, rà soát để thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 trong năm 2020 theo hướng dẫn của Trung ương.

Tính đến hết tháng 5/2020, Ninh Thuận đã hoàn thành việc chi trả đợt 1 cho 118.580 đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ với kinh phí gần 105 tỷ đồng. Địa phương cũng đã gia hạn thời gian nộp tiền thuế và tiền thuê đất của doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên 120 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp trên 100 tỷ đồng và hộ kinh doanh khoảng 17 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lai thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 145 khách hàng, với dư nợ được cơ cấu lại là 210 tỷ đồng; trong đó có 36 doanh nghiệp với số dư nợ cơ cấu lại 146 tỷ đồng và 109 hộ kinh doanh, cá thể với dư nợ cơ cấu là 63 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện cho vay mới với hơn 2.760 tỷ đồng/1.658 lượt khách hàng; trong đó, hơn 110 lượt khách hàng vay là các doanh nghiệp và hơn 1.500 lượt khách hàng là các hộ kinh doanh, cá thể vay để tập trung đầu tư tái sản xuất, kinh doanh.

Ninh Thuận nhiều giải pháp phát triển kinh tế trong giai đoạn mới ảnh 2Các doanh nghiệp đầu tư lưới điện được UBND tỉnh Ninh Thuận tạo điều kiện để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh: Công Thử - TTXVN

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đang gấp rút tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như điện gió, điện mặt trời; thủy điện tích năng Bác Ái; chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án điện khí LNG Cà Ná; cảng biển tổng hợp Cà Ná; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án BT sớm đưa vào sử dụng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trình phê duyệt các đồ án quy hoạch chuyên đề, quy hoạch phân khu các khu vực trọng điểm, nhất là khu vục phía Nam của tỉnh để kịp thời thu hút các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu vào đầu tư.

Đối với các dư án trọng điểm lĩnh vực công nghiệp, Ninh Thuận cũng sẽ gấp rút hoàn tất các thủ tục để triển khai gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 71/TB-VPCP ngày 26/5/2020.

Đặc biệt, tỉnh sẽ có biện pháp đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đối với các công trình trọng điểm; điều chuyển vốn các công trình, dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết để bổ sung nguồn vốn cho các công trình, dự án có nhu cầu vốn và đủ thủ tục giải ngân.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao trách nhiệm cho các Sở, ngành có liên quan phải sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thương mại, dịch vụ vượt qua khó khăn; tạo cầu nối vững chắc để các doanh nghiệp kết nối cung - cầu với thị trường trong và ngoài nước sau dịch bệnh.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2020, tác động của của dịch bệnh và hạn hán đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến cuối tháng 5/2020, có hơn 2.100 doanh nghiệp bị thiệt hại về doanh thu, chiếm hơn 65% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng doanh thu bị thiệt hại hơn 5.600 tỷ đồng; 37 doanh nghiệp phải giải thể và 74 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; 251 hộ gia đình nghỉ kinh doanh, hơn 3.200 hộ gia đình tạm dừng kinh doanh.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, hoạt động du lịch của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, lượng khách đến tỉnh chỉ đạt 670.000 lượt khách, giảm gần 55% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp, gần 2.000 tỷ đồng, đạt khoảng 34% kế hoạch năm.

Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt thấp, tổng vốn giải ngân kế hoạch năm 2020 tính đến hết tháng 5 là hơn 252 tỷ đồng so với vốn phân bổ hơn 2.000 tỷ đồng, đạt 12,4% kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh cho rằng, kịch bản tăng trưởng năm 2020 được UBND tỉnh ban hành đầu năm với tổng giá trị gia tăng 19.728 tỷ đồng, tăng trưởng GRDP 11,6% (tăng 11-12%).

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh và hạn hán nên UBND tỉnh cũng đã rà soát lại; đồng thời đề ra các giải pháp sát thực, có tính khả thi cao để thực hiện. Kết quả rà soát, đánh giá thì tổng giá trị GRDP năm 2020 ước đạt 19.720 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng, giảm 0,04% so với kịch bản được ban hành đầu năm.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm