Ninh Thuận nhân rộng mô hình bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế bền vững

Mô hình trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu, phục hồi sinh thái tại khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Mô hình trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu, phục hồi sinh thái tại khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Để phát triển rừng bền vững, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Ninh Thuận nhân rộng mô hình bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế bền vững ảnh 1Mô hình trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu, phục hồi sinh thái tại khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ (quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững) nhằm hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi thoát nghèo nhanh, bền vững từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng, năm 2020, tỉnh Ninh Thuận chuyển tiếp giao khoán bảo vệ rừng với diện tích gần 66.000 ha kết hợp xây dựng các mô hình sinh kế cho các cộng đồng địa phương.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam - Đơn vị tham gia giao khoán bảo vệ rừng cho biết, hiện nay đơn vị đang chuyển tiếp giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 4.642 ha; trong đó giao khoán bảo vệ rừng cho bốn nhóm cộng đồng với 70 hộ thuộc các xã Phước Nam, Phước Dinh và Phước Diêm với diện tích 2.147 ha; giao khoán cho lực lượng vũ trang quản lý gần 2.500 ha.

Do đặc thù rừng phòng hộ ven biển nằm tiếp giáp với nhiều địa bàn dân cư, vườn rẫy của người dân, đường dân sinh qua lại nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chính sách giao khoán, định kỳ hàng tuần, các tổ bảo vệ rừng phối hợp Ban quản lý rừng tổ chức tuần tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, xâm hại rừng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân không được vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ, không được săn bắt động vật hoang dã.

Nhờ chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng mà việc bảo vệ rừng trong thời gian qua được bảo đảm. Trong cao điểm mùa khô năm nay, việc phòng, chống cháy rừng "bốn tại chỗ" trong các cộng đồng nhận khoán đạt hiệu quả cao, ông Trần Ngọc Hiếu chia sẻ.

Ninh Thuận hiện có tám đơn vị là Ban quản lý rừng phòng hộ, vườn quốc gia và công ty lâm nghiệp tham gia giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng tại các địa phương. Bình quân mỗi hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 30 ha với đơn giá nhận khoán 400.000 đồng/ha/năm.

Song song với giao khoán bảo vệ rừng, tỉnh kết hợp xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ người dân như tạo điều kiện giúp các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được vay vốn ưu đãi để mua bò, dê, cừu để chăn nuôi; đồng thời hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây chịu được khí hậu khô hạn, có giá trị kinh tế như cây điều, cây trôm, cây nem, thanh thất; các loại cây trồng phụ trợ như mít, bơ, bưởi.

Ninh Thuận nhân rộng mô hình bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế bền vững ảnh 2Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) phối hợp với đơn vị nhận khoán tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

 
Tính đến cuối tháng 6/2020, toàn tỉnh đã trồng, nhân rộng 351 ha rừng xen cây ăn quả, nổi bật với các mô hình trồng điều xen bưởi da xanh tại huyện Bác Ái, trồng điều xen mãng cầu xiêm thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Phước Bình, Vườn Quốc gia Núi Chúa; trồng rừng phòng hộ gồm cây điều xen bưởi, bơ tại các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước; trồng phân tán cây dừa xiêm tại các xã biển thuộc các huyện Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Phước.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận còn dành các nguồn kính phí mua gạo hỗ trợ các hộ dân tham gia trồng rừng phục hồi trên nương rẫy và bảo vệ rừng. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa bàn khó khăn với việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch, hệ thống tưới tiêu nông nghiệp, xây dựng đường bê tông nông thôn, tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng cho các hộ dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng trồng.

Ông Dương Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho hay, các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã từng bước gắn kết với việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống của người dân miền núi, tạo thêm việc làm, mở rộng phương thức sản xuất và từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân với sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc giao khoán bảo vệ rừng cũng như xây dựng các mô hình sinh kế hiện cũng gặp không ít khó khăn. Do đặc thù khí hậu Ninh Thuận khô nóng, khô hạn thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng chống cháy rừng, trồng rừng; địa bàn quản lý rộng, dàn trải, địa hình hiểm trở gây khó khăn cho quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân cố tình lén lút, ra vào rừng để tác động đến rừng và đất rừng; định mức giao khoán bảo vệ rừng còn thấp, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu vừa tổ chức tuần tra bảo vệ rừng vừa trích lại để đầu tư sinh kế; nhiều hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng chưa được tham gia hưởng vốn vay ưu đãi theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP; kinh phí phân bổ triển khai các mô hình, dự án còn chậm cần sớm được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ.

Ninh Thuận hiện có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 204.200 ha; trong đó diện tích đất có rừng trên 155.400 ha, diện tích đất chưa có rừng trên 48.790 ha. Năm 2020, cùng với giao khoán bảo vệ rừng, tỉnh thực hiện chuyển tiếp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng hơn 3.000 ha, trồng 505 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, phấn đấu độ che phủ rừng đến cuối năm 2020 đạt 47%.

Thời gian tới, các đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai giao khoán bảo vệ rừng kết hợp nhân rộng các mô hình sinh kế gắn với đầu tư phát triển lâm nghiệp; vận động thêm các hộ dân tham gia, phát triển mở rộng đầu tư các mô hình cả về quy mô, chất lượng, đồng thời tìm kiếm những mô hình mới áp dụng phù hợp với từng khu vực cụ thể; đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật vào hoạt động trồng rừng, chăn nuôi gia súc và trồng trọt dưới tán rừng, góp phần bảo vệ rừng, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Nguyễn Thành

TTXVN

Có thể bạn quan tâm