Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Những năm trước, cứ vào mùa khô hạn, 2 sào lúa của gia đình bà Mang Thị Liên (ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc) phải bỏ hoang vì không đủ nước tưới. Tuy nhiên, vụ Hè Thu năm 2019, được địa phương vận động chuyển đổi cây trồng và hỗ trợ một phần giống, vật tư nông nghiệp, bà Liên chuyển sang trồng đậu phộng trên nền đất lúa. Qua hơn 3 tuần xuống giống đến nay, cây đậu phộng sinh trưởng và phát triển khá tốt. Bà Liên chia sẻ, cây đậu phộng rất phù hợp với vùng đất gò, đất cát. Trồng đậu phộng ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Trong điều kiện thiếu nước tưới như hiện nay, lựa chọn trồng cây đậu phộng ít sử dụng nước là giải pháp giúp các hộ dân duy trì sản xuất, không phải bỏ mùa vụ. Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Thảo (ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc) cũng chuyển đổi hơn 2 sào đất trồng cỏ kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh. Bà Thảo cho hay, được địa phương hỗ trợ 30% giống, phân bón, gia đình đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Qua thời gian trồng thử nghiệm, cây măng tây xanh sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu khô hạn, ít tốn công chăm sóc, ít phải phun thuốc, bón phân. Ông Hán Văn Thiện, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thuận Bắc cho biết, để đảm bảo sinh kế cho người dân trong mùa khô hạn, các địa phương đang tăng cường vận động, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, trực tiếp xuống tận đồng ruộng tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất. Đến nay, địa phương thực hiện chuyển đổi gần 66 ha (kế hoạch chuyển đổi 166 ha trong năm 2019) đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây như đậu, măng tây xanh, bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan.
Trồng cây đậu phộng trên nền đất lúa ở xã Bắc Sơn (Thuận Bắc, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Theo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu, trong vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2019, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục chuyển đổi trên 970 ha (vụ Đông Xuân 2018 – 2019 đã chuyển đổi trên 582 ha) đất trồng lúa năng suất kém, đất thường xuyên thiếu nước tưới sang trồng các loại cây ngắn ngày có lợi thế như: Ngô; kiệu; dưa; rau đậu và các loại cây trồng dài ngày như: Nho; táo; măng tây xanh; bưởi; dừa... tại các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam. Qua khảo sát, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện hạn hán giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới từ 25 – 30%, hạn chế việc khai thác nước ngầm; lượng nước tiết kiệm được để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ cho vụ sản xuất tiếp theo. Đồng thời, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân khi không thể gieo trồng các loại cây trồng truyền thống sử dụng nhiều nước. Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để chủ động trong ứng phó với mùa hạn năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, thường xuyên kiểm tra các công trình hồ thủy lợi để chủ động triển khai có hiệu quả biện pháp phòng chống hạn, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ, không để gieo trồng tự phát ngoài kế hoạch ở những khu vực gặp khó khăn về nguồn nước, không đảm bảo được nước tưới để tránh gây thiệt hại cho người dân. Cùng với đó, tỉnh có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Thời gian tới, các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả; điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp lịch thời vụ. Đồng thời, khuyến khích áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng và phát triển các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu cho hiệu quả kinh tế cao.
Nguyễn Thành