Ninh Bình không chỉ được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nơi đây còn có nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh Ninh Bình có nhiều giải pháp để lễ hội đầu năm thực sự trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Nét đẹp văn hóa làng
Lễ hội đền Thái Vi là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) nhằm tưởng nhớ công ơn của các vị Vua Trần như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Hiển Từ Hoàng Thái hậu, đặc biệt là Vua Trần Thái Tông - người có công chiêu dân, lập ấp, xây dựng căn cứ địa Văn Lâm, làm hậu cứ chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285.
Trong phần lễ của hội đền Thái Vi, tế lễ là nghi thức quan trọng và mang tính trang trọng. Mỗi đoàn rước kiệu đều thành lập một ban tế. Thành phần dự tế gồm các cụ cao tuổi, chức sắc trong làng và thường được thực hiện bởi hàng chục người. Một người đọc văn tế, hai người xướng tế và 10 người đứng chầu hai bên thực hiện dâng hương, dâng rượu. Nội dung bài tế ca ngợi công ơn của các vị vua đời Trần đối với đất nước, giúp người dân địa phương ôn lại lịch sử dân tộc và du khách đến dự lễ hiểu ý nghĩa của bài tế. Sau phần nghi lễ, người dân, du khách được hòa mình vào trò chơi tập thể hấp dẫn, sôi nổi, mang màu sắc dân gian truyền thống như đua thuyền, thi kéo co, giao lưu bóng chuyền, thi chọi gà, cờ người...
Ông Chu Văn Thim, Thủ từ đền Thái Vi, xã Ninh Hải cho biết, Lễ hội đền Thái Vi hằng năm là nét đẹp truyền thống tốt đẹp của người Việt, thể hiện lòng tri ân công lao to lớn của các vua Trần cùng bậc tiền bối. Lễ hội không chỉ khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc mà còn phát huy truyền thống cách mạng, giữ gìn thuần phong mỹ tục.
Hằng năm, xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn đều tổ chức Lễ hội truyền thống động Hoa Lư với hoạt động dâng hương và rước kiệu tại đình Trai, động Hoa Lư và đền Thung Lá từ ngày mùng 10 đến 13 tháng Giêng, thể hiện lòng thành kính đối với vua Đinh Tiên Hoàng và những người có công với đất nước.
Lễ hội được địa phương, cộng đồng dân cư tổ chức nghiêm trang với nhiều nghi lễ tế, rước cùng hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian như, cờ lau tập trận, múa lân, hát chèo, thi đấu cờ tướng và chương trình giao lưu văn nghệ… tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đông đảo nhân dân, du khách dự hội. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa truyền thống, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mà còn là dịp để người dân, du khách thập phương thành kính dâng hương, nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước, tạo lập làng, xã.
Anh Hoàng Văn Phong ở Hà Nội cho biết, rất vui khi được đắm mình trong không gian lễ hội rực rỡ sắc màu. Được tham gia vào các hoạt động của lễ hội, anh rất tự hào khi góp một phần công sức gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Theo số liệu thống kê, địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 243 lễ hội; trong đó, có 2 lễ hội được ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là Lễ hội Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) và Lễ hội làng Bình Hải (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô. Hầu hết các lễ hội diễn ra tập trung vào mùa Xuân trong thời gian từ đầu tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch với khoảng 180 lễ hội. Cùng với Lễ hội Hoa Lư do cấp tỉnh tổ chức và 11 lễ hội do cấp huyện tổ chức, các lễ hội còn lại do cấp xã và cộng đồng dân cư tổ chức.
Xác định rõ tầm quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa nói chung, môi trường văn hóa lễ hội nói riêng, nhất là lễ hội truyền thống trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, tỉnh tập trung chỉ đạo, lãnh đạo phát triển văn hóa với trọng tâm gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa trong đó có lễ hội.
Các lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh, trang nghiêm, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội phù hợp, thiết thực, với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.
Bà Vũ Thị Lý, Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động lễ hội diễn ra thể hiện lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, giúp con người gần gũi nhau hơn, tính cố kết cộng đồng được gia tăng, tình làng, nghĩa xóm, tình yêu quê hương, cội nguồn được vun đắp. Việc phát huy giá trị, ý nghĩa của lễ hội góp phần gìn giữ giá trị của di sản văn hóa, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Các lễ hội tuy được tổ chức với quy mô khác nhau song đều thu hút sự tham dự của đông đảo nhân dân địa phương và du khách.
Để đảm bảo tổ chức các lễ hội trên địa bàn an toàn, lành mạnh, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Ninh Bình tiếp tục chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ di tích, phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội.
Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền; phát huy vai trò quản lý Nhà nước, hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn trong quản lý hoạt động lễ hội, đảm bảo việc tổ chức lễ hội đúng quy định, phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Thùy Dung