Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có sự chuyển biến tích cực

Cả nước hiện có gần 9.000 lễ hội, phân bổ ở khắp các vùng, miền, diễn ra quanh năm. Lễ hội là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc, từ lâu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc với đông đảo người dân. Mùa xuân, sau Tết nguyên đán là cao điểm của lễ hội, trong đó có những lễ hội nổi tiếng, kéo dài hàng tháng, như hội chùa Hương.

vna_potal_van_hoa_soi_duong_dac_sac_le_hoi_tro_ngo_tai_xu_lang_7232331.jpg
Ngày 19/2/2024 (mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), UBND huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ hội Trò Ngô xã Yên Thịnh năm 2024. Đây là lễ hội dân gian truyền thống, được tổ chức hai năm một lần, tái hiện truyền thống chống giặc ngoại xâm, công lao lập làng, lập bản, bảo vệ cuộc sống nhân dân của hai vị Thượng Đẳng Thần Đức Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát và ông nghè Vũ Lôi Quận Công. Lễ hội Trò Ngô là Lễ hội điểm của huyện, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 8/5/2017. Trong ảnh: Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Trò Ngô. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Lễ hội - nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam

Lễ hội là nét truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, có hàng nghìn năm lịch sử. Lễ hội thể hiện sự tri ân của nhân dân với truyền thống, lịch sử của dân tộc và ghi nhận công lao của các thế hệ trước trong dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập.

Bên cạnh tính giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, lễ hội còn phản ánh những nét đẹp văn hoá truyền thống, tính nhân văn của mỗi dân tộc, tôn giáo, vùng miền.

Cả nước hiện có 8.868 lễ hội, trong đó có 8.103 lễ hội truyền thống, 687 lễ hội văn hóa, 74 lễ hội ngành nghề, 4 lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Các lễ hội được tổ chức rải rác vào nhiều thời điểm trong năm nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là dịp đầu năm mới.

Là một quốc gia văn minh lúa nước, lễ hội truyền thống của Việt Nam diễn ra chủ yếu vào mùa Xuân khi nhà nông nhàn rỗi, và người dân có nhu cầu tâm linh cầu một năm mới tốt lành. Đa số lễ hội diễn ra trong phạm vi làng xã, bên cạnh đó có những lễ hội mang tính khu vực như Hội Lim (Bắc Ninh), Hội Gióng (Hà Nội), Đền Trần (Nam Định), lễ hội Óc Om Bóc (Sóc Trăng)... và có lễ hội mang tính quốc gia như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang). Có lễ hội diễn ra trong một vài ngày, có lễ hội diễn ra hàng tháng như lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)...

Sau nghi lễ là phần hội. Đây là dịp để người dân hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần, đồng thời giao lưu nhằm cố kết cộng đồng. Vì vậy, lễ hội là một hoạt động đặc biệt, không thể thiếu ở mỗi cộng đồng dân cư. Lễ hội còn là dịp ôn lại truyền thống dựng và giữ nước của nhân dân ta suốt chiều dài lịch sử. Mỗi cộng đồng làng xã có truyền thống riêng, lễ hội là dịp ôn lại, diễn lại... Tất cả những lễ hội ấy với sắc thái văn hóa riêng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc.

Được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, ban hành những chính sách phù hợp

Lễ hội từ lâu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc với đông đảo người dân. Mỗi lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống chứa đựng những giá trị căn cốt về văn hóa và lịch sử, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Chính vì vậy nhiều năm qua việc giữ gìn, bảo vệ, tôn vinh, phát triển các giá trị văn hóa, bao gồm hoạt động lễ hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, ban hành những chính sách phù hợp.

Nội dung quản lý nhà nước về lễ hội được thực hiện thông qua hệ thống văn bản, bao gồm: Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản của Đảng và Chính phủ, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành hệ thống các văn bản về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Riêng về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đã có những văn bản chỉ đạo chuyên biệt riêng như: Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội…

Gần đây nhất, tháng 8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" (cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội), được coi là bước quan trọng để nâng cao hiệu quả tổ chức lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm. Bộ tiêu chí cũng chính là công cụ và thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của hoạt động lễ hội tại địa phương. Với chín tiêu chí chung và 44 tiêu chí cụ thể, Bộ tiêu chí là cơ sở, là định hướng để các ban tổ chức địa phương chuẩn hóa các tiêu chí, áp dụng thống nhất những giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu...

Theo đó, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các ban, ngành, tổ chức từ trung ương tới cơ sở, hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước đã được tổ chức an toàn, vui tươi, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao trong đời sống của Nhân dân. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày một nề nếp, các lễ hội được tổ chức đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hoá, lịch sử, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn của người Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc.

Năng lực tổ chức và quản lý lễ hội tại một số địa phương đang từng bước được nâng lên. Các lễ hội tổ chức đều có kế hoạch, xây dựng chương trình cụ thể gắn với văn hóa địa phương như: tổ chức các trò chơi dân gian, hội thao, múa lân, triển lãm giới thiệu về hình ảnh, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội... Cơ sở vật chất tại các lễ hội ngày càng được đầu tư nâng cấp, quy hoạch tổ chức dịch vụ có nhiều tiến bộ so với trước đây. Một số lễ hội được tổ chức dựa vào nội lực là chính, đã chinh phục được du khách, tôn vinh di sản, nâng cao uy tín của thương hiệu du lịch và sức hấp dẫn của địa phương. Một số hình thức văn hóa mới, phong tục tập quán mới đưa vào lễ hội được cộng đồng chấp nhận.

Chính quyền địa phương các cấp đã thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, quản lý tổ chức lễ hội, giám sát điều hành nội dung lễ hội và quản lý các hoạt động diễn ra trong khuôn viên lễ hội; đề cao vai trò quản lý chỉ đạo của Ban Tổ chức, Ban Quản lý di tích các cấp. Thông qua hoạt động của các Ban tổ chức lễ hội, ngày càng nâng cao vai trò chỉ đạo, quản lý của chính quyền cơ sở và vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân.

Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, mục đích tổ chức lễ hội, di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội; vận động, tuyên truyền người dân khi tham gia lễ hội ứng xử có văn hóa, trang phục lịch sự, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội…

Tuy nhiên, qua nhiều lễ hội hiện nay, điều dễ nhận thấy là bên cạnh nét truyền thống, những giá trị căn bản được bảo tồn và phát huy thì vẫn còn nhiều tiêu cực, hủ tục, đó là mê tín dị đoan, là tình trạng đốt vàng mã vô tội vạ; cờ bạc diễn ra nhiều chỗ công khai; dịch vụ tại lễ hội thì nhiều nơi xảy ra tình trạng lừa bịp, nâng giá; hiện tượng du khách chen lấn, giành giật... làm mất đi nét đẹp thanh lịch của các lễ hội truyền thống.

Mùa xuân mới đang đến mang theo mùa lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đây là cơ hội và cũng là thách thức cho công tác quản lý lễ hội hiện nay. Quản lý lễ hội vừa phải bảo đảm giữ được yếu tố gốc, vừa tạo điểm nhấn cho mỗi lễ hội, đáp ứng yêu cầu của người tham gia lễ hội, mang lại cho họ những trải nghiệm về tâm linh, về văn hóa trong sự hân hoan và an toàn là mong mỏi của xã hội.

Phương Anh (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm