Những thú chơi tao nhã ngày Xuân

Những thú chơi tao nhã ngày Xuân

Vào mỗi dịp Xuân sang Tết đến, cùng với việc du xuân, thăm người thân, bạn bè, không ít người lựa chọn cho mình một thú chơi truyền thống, tao nhã. Người chọn chơi chữ, người chọn chơi tranh, người lại chọn chơi hoa cây cảnh… Cứ như thế, theo dòng thời gian, những thú chơi tao nhã ngày Xuân ấy đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người Việt, được các thế hệ duy trì, nối tiếp và phát huy.

Ước vọng ngày Xuân qua từng nét chữ

“Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông Đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thú vui tao nhã là xin chữ ngày Xuân, chứa đựng những ước vọng về một năm mới thuận hòa, may mắn và bình an đến với mỗi người và mỗi gia đình. Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt.

Xưa, người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học hoặc những người đỗ đạt, “có danh gì với núi sông”. Chữ được viết theo kiểu thư pháp, thường là chữ Nho và có thể viết theo nhiều cách trên nền giấy đỏ. Người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay mà tạo ra những hình thái con chữ lạ mắt, độc đáo. Mỗi chữ hiện ra dưới tay các thầy đồ không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp, mà còn bộc lộ tấm lòng, tính cách, tâm hồn và cả sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Chữ có thể tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, hoặc tùy theo nhận định của người cho chữ đối với người xin. Người xin chữ thường ở mọi lứa tuổi, tầng lớp, ngành nghề. Mỗi chữ được cho ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang nỗi niềm, tâm tư, mong ước hay một ý niệm nhất định. Nhưng thường là xin các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Cát Tường, Như Ý... để cầu mong sự bình yên cho gia đình, con cháu. Người buôn bán thì xin chữ Phát, Lộc, Tài, Vượng… với mong muốn công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Những người trẻ phấn đấu thường xin chữ: Chí, Thành, Đạt, Đắc, Nhẫn… để mong muốn luôn bền gan, vững chí vượt qua khó khăn, đạt được những mục tiêu đã đề ra trong cuộc sống; các cháu nhỏ thường được bố mẹ xin cho các chữ: Học, Hiếu, Lễ, Nghĩa, Tiến… với mong muốn con mình lớn lên là những người con hiếu thảo của gia đình, thành công dân có ích cho xã hội…

Khi xin được câu đối hay con chữ như ý, người chơi đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ nhìn thấy nhất. Ngoài cầu tài, lộc, may mắn, bình an… người xin chữ còn muốn xin cái đức độ, tài năng của thầy đồ, lấy chữ để răn mình. Đó chính là một nét văn hóa tinh tế, đáng quý của truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Thú chơi tao nhã này giờ đây được tái hiện trong Hội chữ Xuân thường được tổ chức hằng năm, từ ngày 20 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Bên vẻ trầm mặc, thiêng liêng của trường Giám xưa, “hồn dân tộc lại sáng bừng trên giấy điệp” qua những nét thư pháp tài hoa của các ông đồ mới. Và những ngày Hội chữ đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam, tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc.

Chơi tranh Tết - nơi lưu giữ một phần hồn Việt

"Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc" là những thú chơi tao nhã trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt xưa. Chơi tranh ngày Tết là thú chơi đa dạng, muôn hình muôn vẻ, tùy theo phong tục tập quán của địa phương, cũng như địa vị, phẩm hàm trong xã hội của chủ nhân. Tương truyền, tập quán chơi tranh ngày Tết xuất hiện vào khoảng thời Lý (1010-1225) và thời Trần (1225-1400). Tuy không có tài liệu chính thức nào khẳng định tập quán này, nhưng thú chơi tranh Tết đã có từ rất lâu trong những cư dân ở Thăng Long xưa cũng như khu vực trung du Bắc Bộ, với các dòng tranh dân gian nổi tiếng như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng (Hà Nội), tranh Hàng Trống (Hà Nội) và làng Sình (Huế).

Thường sau Ngày ông Công ông Táo, dù là nhà giàu hay nhà nghèo, mọi người cũng đều đi chợ mua những bức tranh Tết, với hy vọng đón vinh hoa, phú quý về nhà và gỡ tranh cũ xuống treo tranh mới lên với hàm ý “Tống cựu, nghinh tân”. Tranh Tết dân gian rất đa dạng về thể loại như tranh tín ngưỡng, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh phong cảnh... Đã là tranh treo Tết thì bao giờ cũng mang ý nghĩa như một thông điệp, một lời cầu chúc cho gia chủ một năm phát tài, phát lộc, vạn sự như ý.

Phần lớn các gia đình nông thôn thường treo các bức tranh dân gian nhỏ, giá cả phải chăng, thuộc nhiều đề tài để bày tỏ đồng thời nhiều ước vọng. Ở gian thờ cúng tổ tiên, các gia đình treo tranh mâm ngũ quả. Ngoài cổng, mọi người thường dán hai bức tranh, một bên là ông Tiến tài, một bên là ông Tiến lộc, với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Cũng có nhà lại dán cặp tranh thần hộ mệnh là những ông tướng nhà trời để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng. Trong nhà, mọi người thường treo, dán tranh dân gian Đông Hồ hay Kim Hoàng với những đề tài được ưa chuộng trong dịp Tết, như: Tranh “Mẹ con đàn gà”, “Mẹ con đàn lợn” với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận; Tranh “Vinh Hoa”, “Phú Quý” với cậu bé mũm mĩm ôm gà, ôm vịt tượng trưng cho điềm phúc; Tranh “Gà trống” sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho Ngũ Quý…

Đối với gia đình ở thành phố, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản chỉ là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo nên một không gian sang trọng, chứng tỏ lễ giáo gia phong của gia đình. Chính vì vậy, họ thường chọn treo tranh Hàng Trống với những bức như: Tranh “Tố nữ” thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ và thân thuộc giữa con người với thiên nhiên; Tranh “Tứ quý” thể hiện ước vọng 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi; Tranh “Lý ngư vọng nguyệt” với mong muốn đỗ đạt, như cá chép vượt vũ môn hóa rồng; Tranh “Thất đồng” vẽ 7 em bé vui chơi với cây đào tiên đang ra hoa kết trái, thỏa mãn mong ước của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc, Tranh “Tam đa” tượng trưng cho phúc đức, tài lộc và sống lâu...

Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hoá, lịch sử, tâm linh, mọi người cũng có thể dành vị trí trang trọng trong nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm sắp tới. Với màu sắc rực rỡ, đề tài phong phú, đường nét độc đáo, những bức tranh dân gian ngày Tết không đơn thuần chỉ để trang trí cho căn nhà thêm phần ấm áp, rực rỡ sắc màu của mùa Xuân, mà còn là không gian văn hóa với những giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chính thế, tranh Tết trở thành một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa và nay.

Chơi hoa, cây cảnh - nét thi vị của ngày Xuân

Ngày Tết luôn có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức của người Việt. Bên cạnh việc ăn Tết, thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa và cây cảnh ngày Tết được xem là một thú vui tao nhã, một nét thi vị của ngày xuân, bởi có hoa là có Tết. Vì thế mà khi xuân về thiếu đi sắc hoa thì dường như chưa trọn nghĩa của ngày Tết.

Theo quan niệm xưa, ngày Tết càng nhiều hoa, cây cảnh trong nhà sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp cho gia đình trong năm mới. Những loài hoa, cây cảnh có màu sắc tươi sáng, rực rỡ như đỏ, vàng... mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự may mắn và tạo cảm giác ấm áp cho ngôi nhà trong những ngày đầu Xuân mới. Chính vì lẽ đó, dù bận rộn với bao công việc, mọi người vẫn luôn dành thời gian để dọn dẹp, trang trí và làm đẹp lại nhà cửa bằng những lọ và chậu cây cảnh. Có lẽ vì thế, những cành hoa, chậu cây đã trở thành những món quà Tết ý nghĩa mà người Việt tặng nhau khi Xuân về Tết đến. Một cành Đào, chậu Mai hay chậu Cúc Vạn thọ… như lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng, sống thọ và tài lộc… của những người bà con, thân thích, bạn bè hay hàng xóm láng giềng gửi tặng nhau.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, những chợ hoa Tết đã xuất hiện và hoạt động từ khoảng giữa tháng Chạp đến hết ngày 30 Tết. Đối với người yêu hoa thì chợ hoa Xuân luôn là lựa chọn đầu tiên. Có người đi chợ hoa chỉ để thưởng thức và ngắm nhìn những chậu cây, chậu hoa đủ màu sắc và thể loại, để cảm nhận không khí Tết. Nhưng với người có thú chơi hoa thì việc đi chợ hoa ngày Tết lại là cả một nghệ thuật. Việc chọn hoa còn tùy theo lứa tuổi và sở thích của từng người. Người cao tuổi thường hay chọn hoa Mai, Đào, Cúc… các loài hoa này tượng trưng cho sự mạnh mẽ và cao thượng. Người trẻ tuổi thì thích hoa Hồng, Thược Dược, Violet… thể hiện sự năng động, trẻ trung. Và vài năm trở lại đây, bên cạnh những loại hoa và cây cảnh truyền thống còn có rất nhiều loại cây hoa ngoại nhập.

Việc chọn hoa chơi Tết đã công phu nhưng việc chọn cây cảnh bày Tết còn cầu kỳ hơn nhiều. Việc chọn cây không đơn giản chỉ là ngắm cây và chọn, mà đó còn thể hiện sự tinh thông, am hiểu về nghệ thuật phong thuỷ đối với cây cảnh. Đối với người sành về cây cảnh, thì thế và dáng của cây là rất quan trọng. Thế cây phải vững chãi, cành lá sum suê, trong đó phải có cả lá-lộc-chồi, nếu loại cây có quả thì phải có đủ cả loại quả chín và xanh. Một cây hội đủ những yếu tố như thế mới có thể được xem là một cây cảnh đẹp, bởi nó hội tụ đủ nét tứ quý cho một năm. Điều đó cũng biểu hiện sự an khang, thịnh vượng cho gia chủ.

Khi đi chợ ngày Tết, người mua thường chọn một số loại cây mang ý nghĩa cho sự no đủ và nhiều điều tốt lành cho năm mới, như cây Sung, Phát tài, Kim ngân thể hiện mong muốn giàu sang, tiền bạc luôn dồi dào; hay cây Quất theo quan niệm dân gian là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên…

Không chỉ vậy, những người yêu hoa, cây cảnh còn thích chọn theo bộ tứ quý gồm: Tùng-Cúc-Trúc-Mai thể hiện sức sống mãnh liệt, nhưng cũng rất thanh tao.

Bên cạnh đó, nhiều người còn chọn bày Tết là các loại cây bonsai, với những dáng cây được tạo kiểu, mang ý nghĩa biểu trưng cho văn hóa Việt Nam và phương Đông như: Tam đa, Ngũ phúc... Trong đó, Tam đa là thế cây tượng trưng cho ba ông Phúc, Lộc, Thọ; còn Ngũ phúc là thế cây có năm tán, tượng trưng cho Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Ngoài ra, ngày nay, nhiều người còn thích chọn cây cảnh được tạo dáng theo kiểu cách tân, như cây được uốn theo thế hạn phụ thạch (cây ôm đá), hay kiểu cây liền rễ (còn gọi là qua cầu)…

Và khi Xuân đến Tết về, nhà nhà có chậu Cúc, chậu Vạn thọ bên hiên, trong nhà có cây Quất trĩu quả hay chậu hoa Mai vàng và cành Đào thắm... Những điều giản dị ấy dường như làm không khí gia đình thêm ấm cúng, trang nghiêm nhưng cũng tươi mới và sinh động.

Cứ như thế, những thú chơi tao nhã ngày Xuân của người Việt được gìn giữ và lưu truyền. Đây không chỉ là nét truyền thống, mà còn là hơi thở mùa xuân, là những điều tốt đẹp trong văn hóa đón tết cổ truyền của dân tộc.

Hoàng Yến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm