Những nữ "đại gia" của buôn làng

Những nữ "đại gia" của buôn làng
Chị Ka Hối - thôn Phước Trung - xã Phước Lộc - Đạ Huoai:  “Bà chủ buôn bán tạp hóa”
Cách đây 12 năm, gia đình chị Ka Hối thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nhất của xã Phước Lộc - vùng kinh tế mới được tách ra từ thôn 5, xã Hà Lâm cũ. Gia đình chị đi làm thuê kiếm sống hàng ngày, đất sản xuất ít, không có vốn liếng gì để làm chủ sản xuất. Năm 2005 gia đình chị được tiếp cận nguồn vốn 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp. Có tiền nhưng chị Ka Hối mất ngủ nhiều đêm bàn bạc với chồng nghĩ cách làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì? Sau nhiều đêm suy nghĩ, Ka Hối thấy ở vùng kinh tế mới này đường sá đi lại còn khó khăn, việc mua sắm tiêu dùng hàng ngày rất mất thời gian, phải vượt qua hàng trăm cây số mới đến chỗ mua hàng mà bà con không phải ai cũng có phương tiện đi lại. Xuất phát từ thực tế đó, chị Ka Hối mở quán tạp hóa nhỏ vừa kiếm thêm thu nhập vừa giúp đỡ bà con bớt khổ vì đi lại mua sắm; một số ít vốn còn lại chị dùng mua bò và chăm sóc vườn.
Kinh doanh buôn bán tạp hóa phục vụ bà con ở vùng kinh tế mới chỉ trong vòng 5 năm, gia đình chị Ka Hối đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ba năm sau, vợ chồng chị bán 5 con bò được 100 triệu đồng, cùng với số tiền dành dụm tích lũy để xây một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Các con của chị đều được học hành, con trai đầu của gia đình được đào tạo lớp sỹ quan dự bị, cháu thứ hai đang học lớp 12 và một cháu học THCS. Chị Ka Hối cho biết: “Gia đình tôi có cuộc sống tốt như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ để có vốn sản xuất. Mình khá lên rồi thì giúp đỡ chị em còn nghèo, đã giúp tổng cộng hơn 50 triệu đồng không tính lãi. Ngoài ra, trong thôn có những chị em khó khăn, cần vốn để đầu tư mua phân bón, giống, tôi đã cho mua thiếu nợ đến khi tới mùa vụ thu hoạch thì chị em trả lại”. Biết ơn nơi trợ vốn ban đầu, chị Ka Hối tích cực tham gia hoạt động Hội, vận động chị em phụ nữ vùng kinh tế mới tham gia phong trào phụ nữ, chị được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Phước Trung. Đồng thời, nhờ buôn bán làm ăn biết tính toán, Ka Hối được chị em hội viên tin tưởng chọn làm Tổ trưởng Tổ vay vốn. Chị luôn sâu sát, nắm bắt kịp thời nguyện vọng của chị em để đề xuất với Ngân hàng CSXH cho chị em tiếp cận vay các nguồn vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, vươn lên thoát nghèo. 
Chị Kră Jăn K’Biên - thôn 4 - xã Rô Men - Đam Rông: “Bà chủ thu mua nông sản”
K’Biên người dân tộc Cil, xuất thân trong một gia đình nông dân hiếu học nhưng hoàn cảnh gia đình nghèo, với hai bàn tay trắng. Năm 2009, K’Biên vào lập nghiệp tại thôn 4, xã Rô Men, gia đình hai vợ chồng chỉ sống bằng đồng lương của cán bộ công chức, cuộc sống chật vật. Giữa năm 2009, được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ Rô Men, chị K’Biên được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có vốn đầu tư chăm sóc 1,2ha cà phê và bắt đầu công việc thu mua nông sản của những hộ sản xuất gần gia đình. 
Như vậy, ngoài đồng lương, gia đình chị K’Biên đã có thêm thu nhập từ việc thu mua nông sản và vườn cà phê. Tuy nhiên, công việc của gia đình chị cũng rất vất vả, trải qua nhiều thất bại mới thành công. Bằng phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa sản xuất vừa đầu tư mở rộng, đến nay gia đình chị K’Biên đã xây dựng mô hình làm kinh tế với quy mô hợp lý, mỗi năm cho thu nhập lãi ròng 450 triệu đồng liên tiếp trong 3 năm qua. Các con của gia đình chị K’Biên đều đến trường và học giỏi, có 1 cháu đang học cao đẳng và 2 cháu đang học phổ thông. 
Vườn cà phê lúc đầu năng suất thấp cho thu hoạch chỉ đạt 20 - 30 triệu đồng, nên đã được gia đình cải tạo chăm sóc hiệu quả, vì vậy 3 năm qua thu lãi từ cà phê trên 60 triệu đồng/năm. Vườn cà phê của gia đình chị K’Biên trở thành điểm trình diễn thí điểm cho bà con học hỏi cách áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cà phê để tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Kinh tế gia đình phát triển, chị K’Biên tích cực giúp đỡ chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn cho các hội viên phụ nữ trong thôn. Hàng năm, chị K’Biên giúp cho 15 chị em có tiền để mua phân bón và trang trải cuộc sống. Gia đình chị được bình xét đạt hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. chị K’Biên chia sẻ: “Hiện nay, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế hộ. Chị em nếu biết cách tổ chức sản xuất phù hợp thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm