Những hạt nhân nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng biên Tây Giang

Là một cá nhân điển hình trong nỗ lực giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Nam, anh Arất Bliêu ở xã biên giới Tr’hy, huyện Tây Giang chia sẻ, nhiều năm qua, cứ đến mùa trồng rừng nguyên liệu, dược liệu, sau khi nhận cây giống như keo lai, ba kích, đẳng sâm về trồng, gia đình anh và hàng chục hộ khác trong thôn Ariêu luôn được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Axan đến từng gia đình để hướng dẫn cho bà con cách trồng, cách chăm sóc sao cho phù hợp với từng loại cây khác nhau. Với cách làm này, các loại cây trồng có giá trị như ba kích, đẳng sâm, sa nhân, đinh lăng phát triển nhanh, trở thành nguồn thu nhập đáng kể và bền vững cho đồng bào.

vna_potal_76_nam_ngay_chu_tich_ho_chi_minh_ra_loi_keu_goi_thi_dua_ai_quoc_1161948_–_1162024_day_manh_thi_dua_toa_sang_tinh_than_yeu_nuoc__7412366.jpg
Cán bộ quân y Đồn biên phòng A Xan khám, chữa bệnh cho bà con Cơ Tu, huyện biên giới miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

“Đối với chăn nuôi gia súc, trước kia nhiều hộ chăn nuôi quen với việc thả rông, con trâu, con bò không được ăn uống đầy đủ, không đủ ấm trong mùa mưa, khiến chúng chậm lớn, nhiều con không chịu được rét nên đã chết. Đó là thực tế của những năm trước, còn trong vòng 5 năm trở lại đây, khi có cán bộ thú y của huyện cùng với cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng về tận hộ gia đình để hướng dẫn bà con làm chuồng, làm trại che nắng, che mưa và chống rét cho vật nuôi, tình trạng gia súc chết vì bệnh tật và chết vì rét đã không còn. Ở thôn Ariêu bây giờ hàng chục gia đình đồng bào có từ 3 con bò lai trở lên’’, Arất Bliêu cho biết.

Gắn bó nhiều năm với công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi cho biết, huyện Tây Giang có 10 xã, trong đó 8 xã có chung đường biên giới với các huyện Đăk Chưng và Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Tây Giang là vùng phân bố chủ yếu của hơn 14 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Cơtu chiếm hơn 95% dân số toàn huyện. Do địa hình đồi núi phức tạp, kinh tế còn chậm phát triển nên việc tạo sinh kế cho đồng bào, giúp đồng bào thoát nghèo là nhiệm vụ hàng đầu của địa phương. Chỉ riêng trong năm 2024, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho huyện Tây Giang phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đã lên đến trên 195 tỷ đồng. Đây là nguồn lực để Tây Giang đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng công tác dọc tuyến biên giới luôn đồng hành, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện "3 cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Từ những việc làm cụ thể như vận động đồng bào thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn vệ sinh trong mỗi gia đình và trong từng khu dân cư, vận động bà con chăn nuôi gia súc có chuồng có trại, trồng lúa nước hạn chế việc đốt rẫy làm nương, phát triển cây dược liệu... nhiều việc làm cụ thể khác, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy của đồng bào, nhất là trong nỗ lực xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu và giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng dần chất lượng cuộc sống của đồng bào.

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự tận tụy giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ biên phòng, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Tây Giang giảm mạnh qua từng năm. Đến nay, 63/63 thôn và hơn 4 nghìn trong tổng số hơn 5 nghìn hộ gia đình trong toàn huyện đạt chuẩn thôn văn hóa, gia đình văn hóa. Đến năm 2024, tất cả các địa phương trong huyện, trong đó có 8 xã vùng biên giới đã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 75%.

vna_potal_63_nam_ngay_truyen_thong_bo_doi_bien_phong_331959_–_332022_va_33_nam_ngay_bien_phong_toan_dan_331989_–_332022_toa_sang_hinh_anh_bo_doi_cu_ho_5978177.jpg
Chiến sĩ Đồn biên phòng A Xan (huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) phát gạo cứu đói cho nhân dân vùng biên giới. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam chia sẻ, tỉnh Quảng Nam có tuyến biên giới trên đất liền dài hơn 157 km, tiếp giáp với tỉnh Sê Kông (Lào), là nơi sinh sống của gần 26 nghìn nhân khẩu là đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc hai huyện Nam Giang và Tây Giang. Nhiều năm qua, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với trình độ và phong tục của đồng bào trong việc tạo lập sinh kế, góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu, cuộc sống của đồng bào nhờ đó không ngừng đổi thay từng ngày. Những việc làm cụ thể của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã góp phần thực hiện thắng lợi phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song điều dễ nhận ra là cuộc sống của đồng bào dọc tuyến biên giới dài hơn 157 km giữa hai huyện Nam Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam và 2 huyện Đăk Chưng và Kạ Lừm của tỉnh Sê Kông (Lào) đã có sự đổi thay từng ngày. Thực hiện phương châm “3 cùng” với đồng bào, Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Nam đã phân công 121 đảng viên là cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trực tiếp theo dõi, giúp đỡ cho hàng trăm hộ đồng bào và khu dân cư. Đây là những hạt nhân nòng cốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng biên, góp phần gìn giữ tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào vùng biên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm