Do địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, lại cách xa trung tâm xã, Trường mầm non Hướng Dương có đến 5 điểm trường với hơn 20 giáo viên đang công tác. Từ trung tâm xã tới các điểm trường, giáo viên phải di chuyển quãng đường hàng chục km, người xa nhất phải di chuyển hơn 70 km cả đi và về. Điểm Trường mầm non Hướng Dương ở ấp 5 xã Thanh Sơn cách trung tâm xã hơn 35 km. Đây cũng là quãng đường mà mỗi ngày cô Nguyễn Thị Tài di chuyển để đến trường. Không chỉ xa, tuyến đường này còn nằm sâu trong rừng và xuống cấp nghiêm trọng. Những ngày mưa, nhiều đoạn sình lầy ngập cả bánh xe. Công tác tại trường gần 10 năm, cô Tài không thể nhớ hết số lần mình bị ngã, phải lôi xe máy ra khỏi các đám sình lầy. "Đoạn đường này trời mưa thì sình lầy, trời nắng đất khô cong tạo ra những hố sâu lớn, vết vằn rất khó đi. Có lần đi vào trường, mình và bạn chở nhau rồi bị ngã, gãy đôi chiếc xe máy, bạn mình rớt xuống hố gần đó”, cô Nguyễn Thị Tài nhớ lại. Tất cả giáo viên ở đây đều gặp phải tình huống tương tự do hầu hết các điểm trường đều nằm sâu trong rừng, đường đi lại rất khó khăn. Cô Nguyễn Thu Thủy cho biết thời gian trước địa bàn ấp 5 thường xuyên có voi phá vườn, phá rẫy nên chỉ chập tối là người dân không ai dám ra đường nữa. Có những hôm cha mẹ học sinh đến đón muộn, sau khi trả học sinh xong, các cô cũng không dám về nhà mà ngủ lại trường. Ở ngôi trường đặc biệt này, không chỉ giáo viên phải vượt qua khó khăn để bám trụ với nghề mà chính phụ huynh và những học sinh cũng rất vất vả. Do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, các điểm trường đều ở xa và rải rác tại nhiều ấp, trường không tổ chức nấu ăn. Mỗi sáng các em phải ăn ở nhà và mang theo phần ăn trưa tại lớp. Nhiều em không có gì để ăn trưa, các cô lại phải mua mì tôm nấu cho các em. Cô Lê Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương chia sẻ là trường học thuộc vùng sâu vùng xa có rất nhiều điểm lẻ nằm sâu trong rừng nên đã từng có nhiều giáo viên không vượt qua được khó khăn, xin nghỉ dạy. Vì vậy, chúng tôi rất trân trọng những cô giáo vẫn bám trường bám lớp, tất cả vì học sinh vùng sâu, vùng xa. Trưởng Phòng Giáo dục huyện Định Quán Võ Văn Minh cho biết, để khắc phục những khó khăn của các cô giáo Trường Mầm non Hướng Dương thời gian tới, Phòng Giáo dục huyện sẽ xem xét phương án luân chuyển giáo viên ở các điểm trường lẻ về công tác tại trường chính và ngược lại. Phương án xoay vòng như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi của giáo viên. Về lâu dài, Phòng Giáo dục huyện sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xem xét, tập trung dồn các điểm lẻ của trường thành một điểm tập trung để có thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải thiện chất lượng dạy và học.
Lê Xuân