Vượt qua những thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, các thầy, cô giáo ở điểm trường Ngài Trò vẫn miệt mài “gieo chữ” nơi bản làng heo hút. |
Nằm cách trung tâm xã chưa đến 10 km, nhưng quãng đường vào bản Ngài Trò như một thử thách với tay lái chẳng mấy “cừ khôi” như tôi. Men theo sườn núi với những con dốc dài lởm chởm đá, có chỗ đất đỏ trơn trượt, mặt đường rộng chưa đầy một sải tay, một bên là vách núi dựng đứng. Chiếc xe “dã chiến” liên tục cài số 1, gầm gè qua từng con dốc cuối cùng cũng đưa tôi đến điểm trường của bản Ngài Trò. Từ xa, tiếng ê a tập đọc của những em nhỏ cùng tiếng thầy giáo giảng bài trầm ấm, vang vọng khiến cái lạnh đầu Đông như được xua tan đi. Vừa rót chén nước chè, thầy giáo Lương Văn Bát vừa chia sẻ với chúng tôi: “Điểm trường Ngài Trò có 1 giáo viên Mầm non và 1 giáo viên Tiểu học, có 22 học sinh, trong đó có 12 em Mầm non, 10 em học lớp ghép 1, 2. Các anh chị thấy đấy, ở đây cái gì cũng khó khăn, thiếu thốn. Nhà lớp học thì tạm bợ, điện thắp sáng không có, đường đi lại khó khăn, thiếu nước sạch để sinh hoạt. Vì thương học trò ở bản xa, nếu đến trường chính ở trung tâm xã để học thì phải đi bộ cả chục cây số đường rừng, trong khi các em ở bậc Mầm non và Tiểu học thì còn rất nhỏ nên mình phải ở đây bám bản để dạy chữ cho các em. Học sinh miền núi thiệt thòi so với miền xuôi nhiều lắm. Ngoài việc phải băng rừng, lội suối đến trường thì các điều kiện thiết yếu phục vụ cho việc học tập như sách vở, bút mực cũng thiếu thốn rất nhiều...”.
Ngước mắt nhìn ngôi nhà tạm bợ được lợp phi – bro xi măng, bưng bằng mấy tấm ván cũ để hở ra những khoảng trống cho gió lùa vi vút, chúng tôi không khỏi xót xa cho chỗ được gọi là lớp học của các em. Ngôi nhà tạm được chia thành 4 gian nhỏ, 2 gian làm chỗ ở cho giáo viên, 1 gian cho các em Mầm non, còn 1 gian cho các em học lớp ghép 1, 2. Trên nền xi măng được kê mấy bộ bàn ghế cũ kỹ, vì không có điện nên vào mùa Đông hoặc những ngày mưa gió, các em phải học trong tình trạng “tranh tối, tranh sáng”. Lớp học tuềnh toàng, trời mưa giáo án của cô và vở học sinh ướt nhẹp, mùa Đông thì lạnh thấu xương. Suốt nhiều năm qua, thầy và trò ở đây vẫn phải sinh hoạt, học tập trong điều kiện tạm bợ, tồi tàn như thế. Tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh một phòng học được kê 2 cái bảng, 1 cái ở đầu, 1 cái ở cuối lớp học. Bên này dành cho học sinh lớp 1 và bên kia dành cho các em học sinh lớp 2. Thầy giáo dạy bên này một lát lại chạy sang bên kia, cứ nhọc nhằn như thế để “gieo chữ” cho các em nhỏ nơi đây. Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên Mầm non ở điểm trường Ngài Trò chia sẻ: “Vì đường xá đi lại khó khăn nên thi thoảng cuối tuần tôi mới về thăm nhà một lần. Con còn nhỏ mà chẳng ở gần để chăm nom. Nhiều khi nhớ thương con mà đành phải gạt nước mắt để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Càng thương con bao nhiêu tôi lại dồn tình cảm ấy cho những học trò nhỏ của mình, chính tình yêu thương học trò ấy đã trở thành sợi dây vô hình vững chắc níu tôi ở lại nơi mảnh đất mù sương này...”.
Chứng kiến bữa cơm trưa đạm bạc trên núi của các thầy, cô ở điểm trường Ngài Trò khiến chúng tôi ai nấy đều rưng rưng. Trong gian bếp nhỏ được ghép lại bằng mấy tấm gỗ sơ sài, chỉ có vài ba cái nồi, cái chảo với mấy chậu con con. Các thầy cô giáo phải ăn dè vài mẩu cá khô với lạc trong hàng tuần liền. Điều kiện làm việc, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng các thầy, cô vẫn nỗ lực vượt qua để giữ cho tiếng kẻng vào học đều đặn vang lên trên đỉnh non cao. Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân, Trần Kỳ Hùng cho biết: “Hiện nay, nhà trường có 1 trường chính và 8 điểm trường, có 43 cán bộ giáo viên. Trong đó có 12 giáo viên đang dạy tại các điểm trường. Những giáo viên dạy ở điểm trường vất vả và thiệt thòi hơn rất nhiều so với các thầy cô dạy ở trường chính nên hàng năm nhà trường đều thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên để đảm bảo công bằng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giáo viên hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay với các giáo viên dạy ở điểm trường vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nào để họ bớt thiệt thòi...”.
Chia tay các em học sinh và giáo viên ở điểm trường Ngài Trò, hình ảnh những em nhỏ khuôn mặt lấm lem, giơ bàn tay nhỏ xíu lên vẫy chào tạm biệt bên ngôi nhà lớp học cũ nát cùng những con dốc dài lởm chởm đá cứ in vào tâm trí chúng tôi. Có lẽ đúng như lời thầy Bát tâm sự, nếu không có tình yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì chẳng ai có đủ nhiệt thành để bám trụ lại chốn thâm sơn cùng cốc này.
Bằng tất cả tấm lòng, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những người thầy không quản ngại khó khăn, bám bản để “gieo chữ” nơi vùng đất khó. Chính họ đã làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ. Những hy sinh thầm lặng đó xứng đáng được xã hội mãi tôn vinh...
Ngước mắt nhìn ngôi nhà tạm bợ được lợp phi – bro xi măng, bưng bằng mấy tấm ván cũ để hở ra những khoảng trống cho gió lùa vi vút, chúng tôi không khỏi xót xa cho chỗ được gọi là lớp học của các em. Ngôi nhà tạm được chia thành 4 gian nhỏ, 2 gian làm chỗ ở cho giáo viên, 1 gian cho các em Mầm non, còn 1 gian cho các em học lớp ghép 1, 2. Trên nền xi măng được kê mấy bộ bàn ghế cũ kỹ, vì không có điện nên vào mùa Đông hoặc những ngày mưa gió, các em phải học trong tình trạng “tranh tối, tranh sáng”. Lớp học tuềnh toàng, trời mưa giáo án của cô và vở học sinh ướt nhẹp, mùa Đông thì lạnh thấu xương. Suốt nhiều năm qua, thầy và trò ở đây vẫn phải sinh hoạt, học tập trong điều kiện tạm bợ, tồi tàn như thế. Tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh một phòng học được kê 2 cái bảng, 1 cái ở đầu, 1 cái ở cuối lớp học. Bên này dành cho học sinh lớp 1 và bên kia dành cho các em học sinh lớp 2. Thầy giáo dạy bên này một lát lại chạy sang bên kia, cứ nhọc nhằn như thế để “gieo chữ” cho các em nhỏ nơi đây. Cô Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên Mầm non ở điểm trường Ngài Trò chia sẻ: “Vì đường xá đi lại khó khăn nên thi thoảng cuối tuần tôi mới về thăm nhà một lần. Con còn nhỏ mà chẳng ở gần để chăm nom. Nhiều khi nhớ thương con mà đành phải gạt nước mắt để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Càng thương con bao nhiêu tôi lại dồn tình cảm ấy cho những học trò nhỏ của mình, chính tình yêu thương học trò ấy đã trở thành sợi dây vô hình vững chắc níu tôi ở lại nơi mảnh đất mù sương này...”.
Chứng kiến bữa cơm trưa đạm bạc trên núi của các thầy, cô ở điểm trường Ngài Trò khiến chúng tôi ai nấy đều rưng rưng. Trong gian bếp nhỏ được ghép lại bằng mấy tấm gỗ sơ sài, chỉ có vài ba cái nồi, cái chảo với mấy chậu con con. Các thầy cô giáo phải ăn dè vài mẩu cá khô với lạc trong hàng tuần liền. Điều kiện làm việc, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng các thầy, cô vẫn nỗ lực vượt qua để giữ cho tiếng kẻng vào học đều đặn vang lên trên đỉnh non cao. Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân, Trần Kỳ Hùng cho biết: “Hiện nay, nhà trường có 1 trường chính và 8 điểm trường, có 43 cán bộ giáo viên. Trong đó có 12 giáo viên đang dạy tại các điểm trường. Những giáo viên dạy ở điểm trường vất vả và thiệt thòi hơn rất nhiều so với các thầy cô dạy ở trường chính nên hàng năm nhà trường đều thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên để đảm bảo công bằng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giáo viên hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay với các giáo viên dạy ở điểm trường vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nào để họ bớt thiệt thòi...”.
Chia tay các em học sinh và giáo viên ở điểm trường Ngài Trò, hình ảnh những em nhỏ khuôn mặt lấm lem, giơ bàn tay nhỏ xíu lên vẫy chào tạm biệt bên ngôi nhà lớp học cũ nát cùng những con dốc dài lởm chởm đá cứ in vào tâm trí chúng tôi. Có lẽ đúng như lời thầy Bát tâm sự, nếu không có tình yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì chẳng ai có đủ nhiệt thành để bám trụ lại chốn thâm sơn cùng cốc này.
Bằng tất cả tấm lòng, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những người thầy không quản ngại khó khăn, bám bản để “gieo chữ” nơi vùng đất khó. Chính họ đã làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ. Những hy sinh thầm lặng đó xứng đáng được xã hội mãi tôn vinh...
Theo baohagiang.vn