Những chàng trai đam mê "giữ lửa" sáo Mông ở Lai Châu

Anh Ma A Cháng, ở bản Sin Câu, xã Giang Ma, huyện Tam Đường hướng dẫn khách hàng thổi sáo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Anh Ma A Cháng, ở bản Sin Câu, xã Giang Ma, huyện Tam Đường hướng dẫn khách hàng thổi sáo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Từ niềm đam mê nhạc cụ của dân tộc mình, đặc biệt là sáo Mông, chàng trai trẻ Ma A Cháng ở tỉnh Lai Châu đã xây dựng xưởng sản xuất sáo trúc và cửa hàng nhạc cụ dân tộc Mông ngay trên mảnh đất quê hương, từ đó lan tỏa nét đẹp của nhạc cụ truyền thống và góp phần truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông.

Những chàng trai đam mê "giữ lửa" sáo Mông ở Lai Châu ảnh 1Anh Ma A Cháng, ở bản Sin Câu, xã Giang Ma, huyện Tam Đường trưng bày sản phẩm sáo Mông. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Người truyền cảm hứng

Anh Ma A Cháng sinh năm 1995, dân tộc Mông, ở bản Sin Câu, xã Giang Ma, huyện Tam Đường (Lai Châu). Từ năm 10 tuổi, dưới sự hướng dẫn của cha, anh đã bắt đầu tập sáo và sớm nhận ra niềm đam mê của mình với tiếng sáo dân tộc. Khi còn bé, Cháng cũng mày mò tự làm cho mình những cây sáo nhỏ, tuy còn thô sơ nhưng đã nuôi dưỡng trong anh tình yêu với loại nhạc cụ này.

Những năm tháng tuổi trẻ, Cháng thường tự mình luyện sáo để tiếng sáo ngày một trôi chảy, thánh thót hơn. Sau khi học xong lớp 12, Cháng cũng đã bươn trải làm nhiều ngành nghề để nuôi sống bản thân. Trong thời gian đó, Cháng vẫn ấp ủ ước mơ lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nhạc cụ dân tộc mình bằng cách mở được một cửa hàng bán sáo Mông. Đặc biệt, trước tác động của đời sống và văn hóa hiện đại, nghề làm sáo Mông của đồng bào dân tộc Mông đang dần bị mai một. Những người cao tuổi thì đã già yếu, còn thế hệ trẻ ít ai theo học và giữ nghề. Với mong muốn là người kế thừa lưu giữ nhạc cụ dân tộc, Ma A Cháng đã tìm hiểu một số thông tin, cách thức về mở xưởng sáo. Tuy nhiên, một mình Cháng làm thì mức độ rủi ro sẽ cao, không hiệu quả cao nên Cháng chủ động tìm kiếm, liên hệ với những người bạn cùng đam mê để khởi nghiệp từ làm sáo trúc.

Anh Ma A Cháng, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, chia sẻ: "Lúc mới đầu, mình gặp nhiều khó khăn vì tìm mãi cũng không có ai tin tưởng mình để liên kết mở xưởng sáo. Có lúc mình nghĩ phải khép lại ước mơ, để đi làm thuê. Thế nhưng, với đam mê nồng cháy trong tim đã thôi thúc mình không được bỏ cuộc. Sau đó, mình đã lên mạng xã hội facebook để tìm những người bạn trẻ có đam mê giống mình. Rất may, mình đã tìm được hai người bạn là Sùng A Khoa, sinh năm 1988, dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và Vàng A Thanh, sinh năm 1997, dân tộc Mông ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên)."

Những chàng trai đam mê "giữ lửa" sáo Mông ở Lai Châu ảnh 2Xưởng sáo trúc của 3 chàng thanh niên người Mông tạo việc làm cho 3-5 lao động địa phương. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Do cùng chung đam mê, chí hướng nên 3 chàng thanh niên người Mông này đã nhanh chóng góp vốn và xây dựng thành công xưởng sáo trúc. Cụ thể, tháng 8 năm 2021, sau khi tích lũy được số vốn nhất định và với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho những người yêu sáo tìm mua, anh Cháng và những người bạn góp mỗi người 30 triệu đồng để thuê hai ngôi nhà tại thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường (Lai Châu). Một nhà dùng để làm xưởng sáo trúc, nhà còn lại dùng để trưng bày các sản phẩm đã hoàn thành. Cùng đó, những thanh niên này còn thuê thêm 2 - 4 người dân địa phương để làm sáo.

Anh Vàng A Thanh, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tâm sự: Anh đam mê sáo Mông từ lâu nhưng cũng chỉ thổi sáo trong mỗi dịp Tết đến Xuân về hay những lễ hội của địa phương. Chưa bao giờ anh nghĩ rằng mình sẽ mở xưởng sáo để bán và hướng dẫn cách thổi sáo cho những người có đam mê. Thế nhưng, từ khi gặp Cháng, bạn ấy đã chia sẻ về ước mơ muốn lưu giữ loại hình nhạc cụ dân tộc mình và truyền cảm hứng cho anh để cùng nhau liên kết. Vì vậy, anh đã quyết định hợp tác mở xưởng sáo Mông với mong muốn là người giữ lửa sáo Mông cho đời sau.

Cùng nhau khởi nghiệp

Sáo Mông hay có tên gọi là sáo Mèo. Đây là một loại nhạc cụ quen thuộc của đồng bào dân tộc Mông và không thể thiếu trong những lễ hội truyền thống của người Mông. Loại nhạc cụ này được sử dụng như một phương tiện giải trí trong cuộc sống hàng ngày và cũng là phương tiện để các chàng trai tỏ tình với các cô thôn nữ trong bản.

Những chàng trai đam mê "giữ lửa" sáo Mông ở Lai Châu ảnh 3Hằng ngày có nhiều khách hàng đến xem sản phẩm và tập thổi sáo tại cửa hàng sáo trúc của 3 thanh niên người Mông. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Sáo Mông thường có hai loại, sáo đơn và sáo kép. Để cây sáo trông đẹp mắt đúng khuôn mẫu và làm nhanh hơn, Ma A Cháng và những người bạn đã đầu tư mua các loại công nghệ để phục vụ sản xuất như máy khoan, máy đo âm, máy mài, máy đánh bóng, máy phun sơn, mắt cắt… Mặc dù với công nghệ có thể sản xuất số lượng sáo lớn trong một ngày, nhưng các thanh niên luôn hướng về chất lượng và yêu cầu thợ làm cẩn thận, tỷ mỷ các khâu.

Anh Sùng A Khoa, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho hay: Sáo Mông có hai bộ phận chính gồm miệng thổi và thân sáo. Miệng thổi được tạo nên bởi một cái lưỡi gà có tác dụng tạo âm cơ bản. Thân sáo đóng vai trò là hộp cộng hưởng của cây sáo, có thể được làm từ tre, trúc, nứa… và được khoét các lỗ định âm cao độ. Để hoàn thành một cây sáo mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì khéo léo.

Sau hơn 5 tháng mở xưởng sáo, 3 thanh niên người Mông đã giúp 8 lao động địa phương có việc làm thường xuyên. Trong đó, 5 thợ chính làm sáo được đào tạo bài bản và có chuyên môn về nhạc lý. Anh Hàng A Chung, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, cho biết: Trước đây, mình chủ yếu làm nghề mộc, nhưng rất vất vả và sức khỏe cũng bị ảnh hưởng do bụi. Được bạn bè giới thiệu nên mình xin vào xưởng làm sáo đến nay đã được hai tháng và thu nhập cũng ổn định hơn.

Những chàng trai đam mê "giữ lửa" sáo Mông ở Lai Châu ảnh 4Anh Ma A Cháng, ở bản Sin Câu, xã Giang Ma, huyện Tam Đường hướng dẫn khách hàng thổi sáo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Theo anh Ma A Cháng, khi xây dựng xưởng sáo Mông, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tạo công ăn việc làm cho những lao động địa phương. Hiện mỗi lao động có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Mặt khác, chúng tôi muốn nhiều bạn trẻ quan tâm, giữ gìn nghệ thuật dân tộc, từ đó lan tỏa nét đẹp của sáo Mông.

Từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến nay, 3 thanh niên đã bán được hơn 200 cây sáo. Đầu ra chủ yếu bán cho người dân trong nước thông qua các kênh online với giá bán trung bình trên 250 nghìn đồng/chiếc. Đặc biệt, tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại Lai Châu, các anh cũng đã trưng bày sản phẩm, qua đó giới thiệu, quảng bá thêm cho cửa hàng.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động kinh doanh sáo Mông còn gặp khó khăn vì chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú. Bởi người Mông ở mỗi địa phương có những phong tục và sử dụng từng loại sáo riêng.

Những chàng trai đam mê "giữ lửa" sáo Mông ở Lai Châu ảnh 5Xưởng sáo trúc của 3 chàng thanh niên người Mông tạo việc làm cho 3-5 lao động địa phương. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Thời gian tới, 3 chàng trai Mông sẽ tiếp tục phát triển thêm một số loại nhạc cụ của dân tộc như khèn múa và một số loại sáo khác; đồng thời thu hút, tụ tập những người có kinh nghiệm làm sáo, chơi sáo, múa khèn ở từng khu vực trong cả nước để tạo thành đội ngũ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và dạy cho thế hệ sau. Đặc biệt, các anh sẽ cố gắng tìm ra cách thức phù hợp để dạy cho người đam mê sáo Mông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thế nhưng, để hoạt động của xưởng sáo Mông duy trì bền vững, nhất là trong tình hình dịch COVID-19, các anh mong muốn sẽ được chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện, hỗ trợ các anh vay vốn. Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn trong bước đầu khởi nghiệp, nhưng với nhiệt huyết, đam mê và sức trẻ, hy vọng rằng, ba chàng trai người Mông và cửa hàng nhạc cụ dân tộc sẽ ngày càng phát triển.

Việt Hoàng – Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm