Chị Đinh Thị Phụng kiếm gần 200.000 đồng mỗi ngày nhờ may bao tay.
Ngoài những việc hỗ trợ bà con tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, địa phương còn phân công các ban, ngành, đoàn thể phụ trách và thăm nom, động viên đồng thời giám sát các hộ nghèo, cận nghèo sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất… Với cách làm này, cộng với sự tích cực hưởng ứng của người dân, đã từng bước thay đổi cuộc sống của họ, hướng tới cuộc sống ấm no. Từ đó, ở địa phương ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được nhân rộng ở các ấp như mô hình chăn nuôi, trồng trọt, trồng rẫy dây…
Việc thoát nghèo hiệu quả, phải kể đến sự chung tay của các hội, đoàn thể, trong đó, không thể không kể đến Hội Phụ nữ xã. Chị Đinh Thị Cẩm Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phước Hưng, chia sẻ, làm công tác phụ nữ ở xã nhiều năm, là người phát động nhiều phong trào và vận động chị em ở các ấp tham gia, gặp nhiều hoàn cảnh vượt khó vươn lên rất xúc động, từ đó, mới thấy sự phấn đấu của người dân để thoát nghèo là rất lớn”. Thực tế, ở địa phương cũng có nhiều tấm gương thoát nghèo luôn được chị nhắc mỗi khi đi xuống các ấp để tuyên truyền, vận động người dân. Điển hình như chị Võ Thị Huệ, ở ấp Mỹ Thạnh, trồng rẫy dây, thu nhập bấp bênh, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Nhờ tham gia tổ hùn vốn, được tiếp cận với nguồn vốn vay và góp vốn xuay vòng, cộng với việc chăm chỉ làm ăn, tích góp, cuộc sống của chị giờ đã ổn định, thoát nghèo. Hay tấm gương vươn lên thoát nghèo của chị Nguyễn Thị Hương, ở ấp Thành Viên. Trước đây, gia đình rất nghèo, không có công ăn việc làm. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay, chị đã mua chiếc xe đẩy làm bánh canh, bánh lọt đẩy bán dọc lộ, xong lại tất tả về nướng chuối bán tại nhà. Nhờ khéo tay, lại siêng năng, chăm chỉ, nên cuộc sống của chị cũng dần ổn định. Chị chia sẻ: “Mấy chị phụ nữ ở xã, ấp đã giúp đỡ, hỗ trợ mình rất nhiều rồi. Mình phải chịu cực để kiếm tiền cải thiện cuộc sống, nuôi con ăn học. Nhiều khi cũng mệt mỏi, nhưng nghĩ lại số mình cực khổ, may mắn là được mọi người thương và hỗ trợ, nên phải làm, để thoát nghèo, không phụ lòng tin của mọi người”…
Gần đây, ở địa phương đã phát triển mô hình may bao tay ở ấp Mùa Xuân, bước đầu đã giúp 3 hộ thoát nghèo. Chị Biện Kim Mừng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Mùa Xuân, xã Tân Phước Hưng, cho biết: Trước đây, ấp có nhiều hộ nghèo. Ngoài việc tiếp cận những cách làm ăn mới, mô hình mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, Chi hội Phụ nữ ấp còn tổ chức góp vốn xoay vòng cho chị em. Số tiền mà mỗi người được nhận một lần khoảng 4 triệu đồng. Hai năm nay, nhờ có người quen kết nối được một công ty may bao tay ở Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 10 chị em phụ nữ trong ấp tiếp cận với công việc mới này. Chỉ cần hơn 5 triệu đồng mua máy may chuyên dụng và vài ngày tập là bắt đầu vào công việc. Với những chị em gia đình khá giả thì có thể bỏ tiền mua, còn những hộ nghèo thì đã có tiền góp vốn cũng gần đủ để có thể mua. Chị Đinh Thị Phụng, ở ấp Mùa Xuân, thành viên trong nhóm may này, chia sẻ: “Mỗi ngày, may được khoảng 50 đôi bao tay, mỗi đôi 3.500 đồng, thu nhập của tôi cũng được gần 200.000 đồng. Công việc không nặng nhọc, chỉ cần siêng. Giờ có đồng vô, đồng ra, cuộc sống của tôi dễ thở hơn trước rất nhiều và an tâm hơn lo cho các con đi học”…
Nhờ tập trung cho công tác giảm nghèo bằng những mô hình hiệu quả, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cộng với ý chí vượt khó vươn lên của người dân, cuộc sống của người dân xã Tân Phước Hưng đang thay đổi từng ngày. Đây là điều kiện để Tân Phước Hưng hoàn thiện dần từng tiêu chí hộ nghèo hướng đến xây dựng thành công xã văn hóa nông thôn mới trong thời gian tới.
Báo Hậu Giang