Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, hướng tới sản phẩm siêu sạch ở Quảng Ngãi

Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, hướng tới sản phẩm siêu sạch ở Quảng Ngãi
Sau nhiều năm nuôi tôm theo mô hình tập thể thất bại, anh Nguyễn Văn Tuấn, trú thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên không vì thế mà anh Tuấn nản chí, ngược lại anh vẫn quyết tâm bám trụ với cái nghề “may nhờ rủi chịu”.

Với ước mơ làm giàu chính đáng từ mảnh đất quê hương, anh dày công tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm trên mạng xã hội, truyền hình…và tình cờ “bén duyên” với mô hình nuôi tôm bằng mật ong và tỏi. Đầu năm 2016, anh Tuấn bắt tay vào thử nghiệm mô hình hữu ích vào trang trại rộng 3.000 m2 của gia đình.

Gia đình Anh Tuấn nuôi tôm bằng mật ong và tỏi. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN
 Gia đình Anh Tuấn nuôi tôm bằng mật ong và tỏi. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN

Cách thức nuôi tôm theo mô hình mới mẻ này khá đơn giản. Theo anh Tuấn, mật ong và tỏi sẽ được trộn với cám theo tỷ lệ 1 kg cám khuấy đều với 5ml mật và 10 gram tỏi. Người nuôi cho tôm ăn hỗn hợp này từ 3- 4 bữa trong ngày, thời gian cho ăn dao động từ 15- 17 giờ. Tuyệt đối không hòa chất kháng sinh.

Sau thời gian ngắn, anh Tuấn nhận thấy, hiệu quả mà mô hình đem lại rất lớn. Tôm có sức đề kháng mạnh, ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh. Đặc biệt, bệnh gan tụy cấp hay gặp trên tôm giảm đến 80-90%, số lượng tôm chết chìm xuống đáy không đáng kể.

Ngoài ra, tôm nuôi theo mô hình mới đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn, không nguy hại cho sức khỏe, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Mô hình giúp kinh tế gia đình anh Tuấn cải thiện đáng kể. Từ khi triển khai đến nay, anh đã xuất bán được 6 vụ. Gần đây nhất, anh Tuấn thu hoạch được 4,5 tấn tôm (thả nuôi 75 ngày), thu về 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 200 triệu đồng.

Từ hiệu quả thực tế, có thể khẳng định đây là hướng đi mới đầy triển vọng, giúp người nuôi tôm thoát khỏi nỗi lo về dịch bệnh, mở rộng vùng nuôi tôm an toàn.

Cũng nhờ Hội nông dân tỉnh Quảng Ngãi, mô hình chăn nuôi heo sạch bằng thảo dược thí điểm tại xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành đã đem lại kết quả ngoài mong đợi. Mô hình triển khai từ tháng 6/2017, với 72 con heo giống siêu nạc và hơn 3.000 kg cám được cấp phát miễn phí cho 6 hộ tự nguyện tham gia. Các hộ này là thành viên Hợp tác xã Tân Phú.

Người chăn nuôi theo mô hình thực hiện tiêu chí 3 không: Không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng chất kích thích tăng trọng.

Thức ăn cho heo chủ yếu là các nguyên liệu có sẵn dễ chế biến như cám gạo, bột bắp, bột mì… phối trộn với thức ăn sinh học được chế biến từ thảo dược theo liều lượng nhất định. Loại thức ăn sinh học chế biến từ thảo dược là sản phẩm do tác giả Tạ Hùng Đậu nghiên cứu ra, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền Sở hữu trí tuệ.

Hội Nông dân tỉnh đã thuê chuyên gia hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi của các hộ dân.

Chị Ngô Thị Phương đang chăm sóc đàn lợn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Chị Ngô Thị Phương đang chăm sóc đàn lợn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng heo thịt đạt từ 80 - 90 kg/con. Thịt có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều nạc, ít mỡ, không có dư lượng chất kháng sinh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Mô hình không những mang lại thu nhập kinh tế cao mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nhờ lượng phân và nước tiểu của heo thải ra môi trường giảm 50% mùi hôi thối.

Ông Đào Minh Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho hay, đây là mô hình chăn nuôi heo thịt bằng thảo dược đầu tiên triển khai tại Quảng Ngãi. Thời gian tới, hội sẽ hỗ trợ cho Hợp tác xã Tân Phú quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng; khuyến khích người dân sử dụng loại thịt này để có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, sẽ nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Vĩnh Trọng

Có thể bạn quan tâm