Nhiều khu vực ven biển Thanh Hóa xảy ra tình trạng xâm nhập mặn

Thời điểm này đang là mùa khô 2024, trên địa bàn cả nước nhiều nơi đã xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, độ mặn đo được nhiều nơi cao hơn và xâm nhập sâu hơn so với trung bình nhiều năm trước. Tại Thanh Hoá, do không có mưa bổ sung, cộng với thời tiết hanh khô nên mực nước tại nhiều hồ, đập, sông suối đã xuống thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước, một số trạm bơm đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn.

vna_potal_khat_nuoc_sach_do_xam_nhap_man_6732241.jpg
Công trình đập ngăn mặn chậm tiến độ ảnh hưởng tới đời sống người dân các xã ven biển huyện Nga Sơn. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Hiện tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thuỷ lợi chủ động các giải pháp, xây dựng kế hoạch để bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ tưới và chống hạn hán và ứng phó thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn trong mùa khô.

Tại xã Nga Phú, huyện ven biển Nga Sơn, vụ lúa chiêm xuân năm nay gặp nhiều khó khăn do thời tiết rét, không có mưa, thiếu nước nên đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn khiến 100ha lúa nằm phía cuối khu vực xã bị ảnh hưởng. Mặc dù chính quyền địa phương đã thực hiện các giải pháp cung cấp đầy đủ nguồn nước, nhưng do nhiễm mặn nên năng suất lúa giảm so với trước, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Theo ông Đinh Văn Viết, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Phú, do chất đất từ trước đây đã bị nhiễm mặn, hằng năm đều thau rửa nhưng nguồn nước không đủ nên chua phèn ở dưới đã làm ảnh hưởng đến cây lúa. Dù người dân đã thực hiện các biện pháp chăm sóc phục hồi nhưng năng suất vẫn giảm, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân.

Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn trên lưu vực sông Càn, UBND huyện Nga Sơn đã tiến hành đắp đập tạm để mùa mưa thì ngăn lại, mùa cạn lại dỡ ra; chủ động đóng âu Báo Văn để ngăn mặn và giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, hợp lý.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn khẳng định, để hạn chế xâm nhập mặn, hàng năm UBND huyện đã tổ chức đắp đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt lấy nước từ sông Đáy của Ninh Bình để dồn nước về phục vụ sản xuất, kiên cố hoá, bê tông hoá các hệ thống đê điều trên địa bàn huyện, qua đó giúp người dân có nước ổn định, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ huyện Nga Sơn, xâm nhập mặn đang có ảnh hưởng nhiều nơi tại tỉnh Thanh Hoá. Theo quan trắc, đo đạc trên sông Lèn thì từ cửa biển vào khoảng 19km, đối với đỉnh triều độ mặn đã lên tới 1,5 phần nghìn; trên sông Mã độ mặn là 1,49 phần nghìn. Tình hình xâm nhập mặn dao động ở mức cao hơn so với năm 2023, vào sâu hàng chục km từ cửa biển đến nội địa. Độ mặn một số nơi đã vượt qua ngưỡng cho phép. Vì vậy, các trạm bơm ở khu vực này không lấy được nước ngọt và nếu có lấy được nước thì thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ sản xuất.

Để triển khai các giải pháp ngăn chặn xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ tưới và chống hạn, ngay từ đầu vụ chiêm Xuân, các công ty khai thác các công trình thủy lợi đã chỉ đạo các chi nhánh bơm nước tích trữ vào sông nội đồng, thường xuyên quan trắc đo mặn khi độ mặn dưới 1 phần nghìn thì tranh thủ mở cống cũng như vận hành các trạm bơm để lấy nước.

Ông Nguyễn Văn Trung, Tổ trưởng Trạm bơm Xa Loan, Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Sông Mã - Thanh Hoá cho biết, trạm bơm Xa Loan lấy nước từ sông Càn và âu Báo Văn, do nước xâm nhập sâu nên mực nước bơm âm tới -0,6 nhưng vẫn phải phục vụ bà con lấy nước bơm dưỡng cho cây lúa và các loại cây trồng khác.

Theo thống kê, lưu lượng dòng chảy trên các sông chính tại Thanh Hoá theo xu thế xuống thấp dần và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Theo tính toán sơ bộ, sẽ có khoảng 15.000 ha do các công ty thuỷ lợi hợp đồng tưới có khả năng thiếu nước. Với diện tích tưới lớn, thời gian khô hanh, nắng nóng sẽ kéo dài thời gian tới, việc bảo đảm nước tưới cho sản xuất là hết sức quan trọng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Sông Mã Thanh Hoá, ngay từ đầu vụ, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở cống lấy nước, bơm các trạm bơm dọc sông để tích nước vào trong đồng. Đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các máy, phụ tùng thiết bị nhằm đảm bảo hoạt động, tập trung nạo vét các trục kênh tiêu, kênh dẫn trong nội đồng để tăng cường khả năng tích trữ nước để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất cho người dân.

Tỉnh Thanh Hoá cũng đã đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án hệ thống thuỷ lợi trên sông Lèn, sông Càn. Đây là các công trình có mục tiêu tăng cường khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái. Tuy nhiên, việc thi công các dự án đập ngăn mặn này đều rất chậm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm