Cán bộ y tế xã Cư Huê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk tuyên truyền về phòng chống sốt rét. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Theo ông Hoàng Hải Phúc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số bệnh nhân sốt rét tăng cao và gây khó khăn trong công tác phòng, chống. Đó là bệnh nhân mắc sốt rét chủ yếu do đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới, đặc biệt người dân sống trong vùng lưu hành bệnh sốt rét cao, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nên ngành y tế rất khó kiểm soát. Khi mắc sốt rét, người dân không đến trạm y tế khám để được điều trị kịp thời. Cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc giám sát, quản lý phòng chống sốt rét tại cơ sở gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi tập tính trú đậu và đốt người, trên địa bàn đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất diệt, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, nên công tác phòng, chống càng gặp nhiều khó khăn…
Cán bộ Trạm Y tế xã Cư Huê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk soi Lam tìm ký sinh trùng sốt rét. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Huyện Ea Kar là địa phương có số lượng bệnh nhân nhiều nhất, trở thành điểm nóng của bệnh sốt rét tại Đắk Lắk. Từ đầu năm đến nay, huyện Ea Kar đã ghi nhận 114 trường hợp sốt rét. Bà H’ Loan Niê, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế huyện Ea Kar cho biết, bệnh nhân mắc sốt rét chủ yếu là những người thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, thậm chí nhiều trường hợp tái phát bệnh sốt rét nhiều lần. Mặc dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét, nhưng người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về công tác phòng, chống bệnh sốt rét, chưa thực hiện việc tẩm màn chống muỗi đầy đủ, không sử dụng các vật dụng phòng, chống ngành y tế cấp như kem chống muỗi, võng màn… khi đi rừng ngủ rẫy. Trước sự gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp của bệnh sốt rét, ngành y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời cho bệnh nhân sốt rét; phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về các biện pháp phòng, chống sốt rét, đặc biệt đối với các đối tượng thường xuyên đi rừng ngủ rẫy. Cùng với đó, tổ chức điều tra ca bệnh, ổ bệnh đúng quy định, khoanh vùng các điểm có ký sinh trùng sốt rét để xử lý triệt để nguồn bệnh; cung ứng đủ thuốc sốt rét về số lượng và chủng loại, hóa chất xét nghiệm cho các cơ sở y tế, thực hiện việc phun tẩm hóa chất theo đúng quy định.…
Tuấn Anh