Nhiều hộ Khmer ở Hậu Giang vượt khó, thoát nghèo bền vững

Nhiều hộ Khmer ở Hậu Giang vượt khó, thoát nghèo bền vững
Anh Thạch Út, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, trước đây là hộ nghèo do ít đất sản xuất, nhưng rất chí thú làm ăn. Người dân ở ấp Thị Tứ không bao giờ thấy anh say xỉn, cờ bạc, mà suốt ngày chăm chỉ làm hết việc này đến việc khác, miễn sao có thu nhập chân chính. Anh Út chia sẻ: “Tôi cũng biết uống rượu nhưng chỉ vài ly thôi, buổi tối mới dám uống. Bởi nếu uống ban ngày người ta thấy mình có rượu sẽ không dám mướn mình làm”.

Anh Thạch Út đang chăm sóc đàn heo
Anh Thạch Út đang chăm sóc đàn heo


Theo anh Út, trước đây cha mẹ anh rất nghèo, nên bây giờ anh phải chịu khó làm ăn để thoát nghèo. Thấy anh chí thú, đặc biệt là ham chăn nuôi, chính quyền địa phương đã giới thiệu cho anh tham gia lớp học nghề nuôi heo. Trên mảnh đất nhỏ bên nhà, anh xây chuồng nuôi và  duy trì đàn heo trên 10 con (heo nái và thịt), khoảng 40 con vịt siêu thịt. Để giảm chi phí trong chăn nuôi, anh chịu khó xin thêm cơm cặn ở xóm rồi xử lý lại cho heo, vịt ăn. Nhờ con giống tốt và tận dụng thức ăn thừa nên mỗi con heo khi xuất chuồng anh lời trên 2 triệu đồng, và xuất chuồng 2 đợt heo/năm từ 10-20 con.

Tại ấp Thị Tứ còn có anh Danh Dũng, một hộ Khmer không đất sản xuất nhưng cũng rất chịu khó làm thuê kiếm sống. Gần đây, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ con giống, hướng dẫn cách nuôi gà Bến Tre. Vậy là anh tận dụng mảnh đất nhỏ cặp nhà làm chuồng nuôi, mỗi đợt 100 con gà, lời khoảng 4 triệu đồng. Sau đó, do nuôi nhiều lứa nên cứ vài tháng là anh có gà bán.

Khi dời nhà về Khu dân cư vượt lũ thị trấn Bảy Ngàn, có diện tích đất rộng hơn, được mượn thêm đất để nuôi heo, vịt, gà, cộng với thu nhập từ làm thuê nên anh Dũng luôn có thu nhập ổn định. Vừa qua, anh cất được căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng và được công nhận thoát nghèo bền vững năm 2015.

Còn ông Kim Sáu, sống tại chợ Bảy Ngàn, không có đất sản xuất, chủ yếu làm thợ hồ kiếm sống, vợ lại bệnh nặng nhưng ông và các con vẫn chí thú làm thuê, tự mình xây được nhà tường. Vừa qua, hộ ông Sáu được xét thoát nghèo. Ngoài ra, ông Sáu còn gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vì vậy ông được bầu làm người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Thị Tứ.

Từ nỗ lực vượt khó của các hộ Khmer mà tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc ở huyện Châu Thành A từ 30% năm 2009, nay giảm còn khoảng 8,55%. Cuối năm 2014, 7/7 ấp có đông hộ dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện được xét thoát khỏi danh sách ấp đặc biệt khó khăn. Tuy vậy, hiện nay toàn huyện còn 84 hộ dân tộc thiểu số nghèo, chủ yếu là dân tộc Khmer, 70 hộ cận nghèo. Khi xét theo chuẩn mới chắc chắn tỷ lệ này sẽ nâng lên. Anh Danh Oanh Na, Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: “Ngoài chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện sẽ tìm nguồn vốn giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo phát triển kinh tế; tham mưu cho UBND huyện có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho đồng bào. Tiếp tục rà roát hộ dân tộc nghèo để hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở theo quy định, giúp đồng bào có điều kiện thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm