Một góc bản Pú Vang (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Bản Huổi Meo nằm cách Quốc lộ 12 khoảng 8 km. Khi đến bản, chúng tôi thấy những căn nhà gỗ, thấp, mái lợp tranh, thiếu vắng màu xanh của cây cỏ, ruộng vườn. Từ xa nhìn lại, những nếp nhà trong bản Huổi Meo như những chiếc bát úp quần tụ trên đỉnh núi. Ban ngày, bản làng vắng bóng thanh niên trai tráng do lực lượng lao động chính này đã đi làm nương nương ở rất xa, phải đi cả tiếng đồng hồ mới tới. Giữa trưa nắng, bản làng vang tiếng cười nói của những đứa trẻ ở độ tuổi từ 7 đến 12, chân trần, quần áo lấm lem, tóc râu ngô chạy khắp các lối mòn trong trưa nắng rát.
Toàn cảnh bản Pú Vang. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Chúng tôi vào thăm một nhà dân, tài sản lớn nhất là mấy bao thóc xếp chồng lên nhau. Bữa cơm trưa của gia đình chỉ có cơm, canh và nước muối chấm đựng trong các bát to. " Điểm sáng” trong bức tranh về cụm dân cư Pú Vang- Huổi Meo là sự hiện diện của hai điểm trường: Điểm trường Pú Vang (Trường Tiểu học số 2 Mường Mươn) và điểm trường Mầm non, giúp con em ở địa phương đến tuổi đều được đến lớp.
Bản Pú Vang xơ xác, khô cằn vì thiếu nước. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Trong những thiếu thốn của người dân ở bản "đa không" này, khó khăn nhất đối với người dân là không có nguồn nước và nguồn điện lưới quốc gia để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Để có nước sinh hoạt dân bản phải đi lấy ở các mó (vũng, hố nước) nằm rải rác quanh khu vực, điểm lấy nước gần nhất cách bản hơn 1 km. Người dân phải dùng can nhựa hay vật dụng chứa đựng khác đến múc nước rồi cõng nước về. Cứ khoảng vài ngày sau khi nước hết, các thành viên trong gia đình lại thay nhau đi cõng nước. Nhưng nguồn nước tại các mó không cung ứng đủ nên người dân phải đến các điểm xa hơn để lấy nước.
Những túp lều lụp xụp ở Pú Vang. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Hơn 20 năm qua, người dân hai cụm dân cư Pú Vang và Huổi Meo chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Gần đây, một số hộ trong bản đã dành dụm mua được ti-vi, điện thoại. Nhưng nguồn điện bằng ắc quy, máy phát điện mi-ni vận hành bằng sức nước không thể cung cấp đủ lượng điện so với nhu cầu sử dụng của người dân.
Người dân phải đi hơn 1 km để lấy nước uống. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Anh Mùa A Vừ, cụm Pú Vang cho biết: "Gia đình tôi sống ở đây 20 năm rồi. Ở cụm bản này không có nước. Để có nước, người dân đi xe máy hơn 1 km để chở nước về. Nếu không có xe các hộ phải đi bộ để gùi nước về. Đất đai ở đây rất cằn cỗi nên không thể trồng các loại cây ăn quả.
Những mạch nước ngầm là nguồn sống của người dân nơi đây. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Cụ Hờ Chùng Chá, cụm dân cư Pú Vang chia sẻ: Thứ cần nhất đối với người dân ở đây bây giờ là nước, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Người dân ở đây chỉ đi chở được nước về để ăn uống thôi chứ không thể chở được nước về để chăn nuôi hay trồng trọt. Anh Vừ Vả Dếnh, Trưởng cụm dân cư Pú Vang và Huổi Meo cho biết: Bà con không có ruộng, đất để canh tác bởi đất dốc, bạc màu; nương rẫy khi gặp mưa thì bị xói mòn. Địa hình dốc, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, cây trồng chưa kịp bén rễ thì phân bón đã bị rửa trôi. Để khắc phục việc thiếu nước sinh hoạt của cả bản, người dân cũng đã tính đến mua máy nổ để vận hành, hút nước về nhưng khoảng cách từ nguồn nước về bản rất xa, khoảng 4 đến 5 km. Để “kéo”được nước về bản chi phí rất lớn. Người dân hai cụm dân cư Pú Vang và Huổi Meo mong muốn các cấp chính quyền xem xét, hỗ trợ đầu tư kéo điện lưới quốc gia về đây để người dân phát triển sản xuất, phục vụ cuộc sống, sinh hoạt; đồng thời tiến hành khảo sát thực địa, tìm nguồn nước rồi dẫn dòng về bản để dân có nước sử dụng, an tâm sản xuất. Ngoài cụm dân cư Pú Vang và cụm dân cư Huổi Meo thuộc bản Huổi Meo là điểm bản khó khăn nhất, trên địa bàn xã Mường Mươn còn có 5 bản khác là Huổi Ho, Huổi Kết Tinh, Pú Mua, Huổi Nhả và Pú Chả cũng trong tình trạng không có điện lưới quốc gia, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm. Ông Lò Văn Lún, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mươn cho biết: Trong định hướng, Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định, đầu tiên là phải đầu tư về nguồn nước để cho bà con sinh hoạt đảm bảo. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi, trồng trọt những loại cây, con thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu. Người dân cũng cần mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo cuộc sống hơn. Là xã vùng cao, Mường Mươn có 11 bản với gần 790 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu với hơn 60% hộ thuộc diện nghèo. Theo lãnh đạo UBND xã Mường Mươn, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tích cực vận động nhân dân, đặc biệt là người dân các bản vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh sản xuất, tăng diện tích trồng cây dứa để mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời kiến nghị lên các cấp và huy động nguồn lực để giải quyết những khó khăn về điện, nước, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống.
Hải An - Vũ Lợi