Nhiều diện tích sầu riêng ở Lâm Đồng bị vàng lá thối rễ

Nhiều diện tích sầu riêng ở Lâm Đồng bị vàng lá thối rễ

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), hiện nay bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây sầu riêng phát triển, gây hại mạnh. Tổng diện tích sầu riêng bị nhiễm bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ chiếm tới 41,98% diện tích sầu riêng của huyện.

UBND huyện này đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền các hộ đang trồng loại cây ăn trái chủ lực của huyện tích cực áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ bệnh theo tài liệu đã được Trung tâm Nông nghiệp hướng dẫn.

Qua tổng hợp từ Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Hoai, toàn huyện có tới trên 2.465 ha bị bệnh xì mủ, bệnh vàng lá thối rễ, trong khi tổng diện tích sầu riêng toàn huyện là hơn 5.874 ha. Toàn bộ 9/9 xã, thị trấn của huyện đều có diện tích cây sầu riêng nhiễm bệnh. Địa phương có diện tích nhiễm bệnh lớn là xã Hà Lâm 665 ha, xã Đạ P’loa 347 ha, xã Đạ Oai 287 ha, xã Đạ M’ri 273 ha…

Cơ quan chuyên môn huyện Đạ Huoai xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh trên là do năm 2023, thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày làm cho đất bí chặt, bộ rễ cây bị suy yếu tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh tấn công dẫn đến bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ phát triển, gây hại mạnh.

Mặt khác, nhiều hộ nông dân lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng chất kích thích tăng trưởng quá mức làm giảm sức đề kháng của cây; nhiều hộ phòng trừ bệnh chưa đúng kỹ thuật… là những điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh, phát triển, gây hại mạnh…

Trước tình hình trên, UBND huyện Đạ Huoai chỉ đạo các cơ quan đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền vận động các hộ trồng sầu riêng tích cực áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ cây sầu riêng theo tài liệu kỹ thuật Trung tâm Nông nghiệp đã hướng dẫn; tài liệu kỹ thuật cấp phát cho các hộ dân trồng sầu riêng nắm bắt, phòng trừ đúng kỹ thuật.

Đồng thời, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của xã, thị trấn nhằm khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn, kịp thời khai mương, vét rãnh quanh vườn giúp thoát nước tốt; áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng bệnh. Khi vườn nhiễm bệnh cần xử lý triệt để, đúng tài liệu kỹ thuật khuyến cáo của ngành nông nghiệp, giúp cây nhanh phục hồi, tránh lây lan trên diện rộng. Nông dân uyệt đối không xử lý qua loa, sơ sài, không tuân thủ đúng kỹ thuật dẫn tới bệnh ngày càng phát triển và gây hại mạnh.

Địa phương vận động nông dân tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây sầu riêng do ngành nông nghiệp tổ chức để nắm vững kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Cán bộ khuyến nông, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố thường xuyên kiểm tra, cập nhật diễn biến gây hại của bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây sầu riêng, khi diễn biến bệnh gia tăng mạnh kịp thời báo cáo về UBND huyện...

Tỉnh Lâm Đồng hiện có tổng diện tích sầu riêng khoảng gần 15.000 ha; trong đó, diện tích sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh khoảng 7.000 ha với các giống ghép chủ yếu là MonThon, Ri6..., đạt tổng sản lượng khoảng gần 100.000 tấn/năm. Những vùng trồng sầu riêng tập trung tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đam Rông…

Trong các vùng trồng sầu riêng thì huyện Đạ Huoai được xem là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng, chiếm 1/3 diện tích cây sầu riêng toàn tỉnh. Đây cũng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa có loại cây trồng nào thay thế được của huyện này. Từ năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận công nhận nhãn hiệu độc quyền thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”.

Từ nhiều năm qua, địa phương này đã vận động nông dân sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng, đồng thời hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP…

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm