Tỉnh Bình Phước hiện có 41 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ công trình cấp nước kém hiệu quả hoặc không hoạt động chiếm khá cao và một số công trình đang hoạt động tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Nguyễn Thanh Bình, trong số các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn đã bàn giao đưa vào sử dụng, hiện chỉ có 8 công trình hoạt động bền vững (chiếm 19,51%), tương đối bền vững 4 công trình (chiếm 10,25%), kém bền vững 20 công trình (chiếm 51,3%), không hoạt động 8 công trình (chiếm 20,51%)...
Nguyên nhân 28 công trình cấp nước kém hiệu quả, không hoạt động là phần lớn do Ủy ban nhân dân xã quản lý, với đội ngũ quản lý, vận hành không có đầy đủ năng lực và chuyên môn nghiệp vụ. Người dân vẫn sử dụng đồng thời nhiều nguồn nước để tiết kiệm chi phí, quản lý thu chi tài chính chưa thật sự rõ ràng. Một số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư trước đây với công nghệ xử lý nước lạc hậu, sử dụng nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp dẫn đến chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu quy định hiện hành.
Ngoài ra, công trình được đầu tư xây dựng tại khu vực có mật độ dân số thấp, nhu cầu sử dụng nước từ nước máy của người dân không lớn. Có những nơi người dân sử dụng đồng thời hai nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan. Tiền thu từ cung cấp nước không đảm bảo cho các khoản chi trong hoạt động quản lý, vận hành... dẫn đến việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên còn hạn chế. Tuổi thọ trung bình các công trình đã trên 1 năm hoặc đã hết. Mặt khác, các công trình này đa phần sử dụng nguồn nước ngầm và theo thời gian nguồn nước dần cạn kiệt, suy giảm, không đáp ứng được nhu cầu cấp nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình chỉ rõ, năng lực quản lý vận hành còn thiếu tính chuyên nghiệp. Cùng đó, tình trạng hạn hán diễn ra trên phạm vi rộng và có xu hướng kéo dài làm thiếu hụt nguồn nước khiến việc dẫn nguồn nước từ các hồ chứa đến vùng hạn hán chưa hiệu quả.
Nhận thức của người dân nông thôn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về sử dụng nước sạch chưa chuyển biến rõ rệt; nguồn vốn sửa chữa cải tạo các công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn chưa được bố trí; ngân sách dành cho quản lý nhà nước về nước sinh hoạt nông thôn hạn hẹp…
Thời gian tới, đơn vị chức năng sẽ xử lý các công trình không hoạt động hoặc kém hiệu quả mà hầu hết là công trình quy mô nhỏ, do các địa phương quản lý khai thác. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị kiểm tra rà soát lại, họp dân để xác định rõ nhu cầu, đối chiếu với quy hoạch của địa phương nhằm xây dựng phương án cụ thể.
Nếu công trình được đầu tư sửa chữa mà không hiệu quả thì đề nghị chuyển đổi mô hình quản lý hoặc thanh lý tài sản theo đúng quy định tại Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 27/12/2016 của Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Ngoài ra, ngân sách các cấp cần hỗ trợ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, sửa chữa bảo trì công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở vùng khó khăn về nguồn nước, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Trước hết, ưu tiên một phần kinh phí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... để đầu tư cho cấp nước sạch. Tiếp tục thực hiện cho vay vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn từ Ngân hàng chính sách và các nguồn vốn xã hội hóa…
K GỬIH