Ông Hoàng Tiến Long - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết: Di tích Khảo cổ học Bến Mậu A thuộc địa bàn thôn Hồng Phong, Thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái) là một di tích rất quan trọng trong hệ thống di tích thời đại đá cũ hậu kỳ ở Yên Bái nói riêng và vùng sông Hồng nói chung. Đây là di chỉ hiếm hoi có tầng văn hóa trong hệ thống Văn hóa Sơn Vi, có lượng di vật rất lớn, loại hình đa dạng, cho chúng ta hiểu được rõ hơn diện mạo của Văn hóa Sơn Vi ở Việt Nam; là một điểm thuộc Văn hóa Hòa Bình đầu tiên biết đến ở vùng dọc sông Hồng.
Di tích chứa cả 2 giai đoạn (2 dạng hình văn hóa): Văn hóa Sơn Vi - Văn hóa Hòa Bình; khẳng định chắc chắn cội nguồn của Văn hóa Hòa Bình là Văn hóa Sơn Vi ở Yên Bái. Có thể qua di chỉ Bến Mậu A, nhiều vấn đề mới của mối quan hệ giữa Văn hóa Sơn Vi và Văn hóa Hòa Bình sẽ được đặt ra, nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự tiến lên của ngành Khảo cổ học Việt Nam.
Di tích ngoài trời mang đậm dấu vết thời đại đá cũ
Theo Bảo tàng tỉnh Yên Bái, di chỉ Bến Mậu A được phát hiện năm 1998, đến năm 2005 được UBND tỉnh Yên Bái công nhận Di tích Khảo cổ học Bến Mậu A. Di chỉ do tiến sĩ Nguyễn Văn Quang (lúc đó là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái) phát hiện trong một chuyến công tác tại huyện Văn Yên, qua đó đã thu thập được nhiều hiện vật của người tiền sử.
Để làm rõ diện mạo, đặc trưng, loại hình di tích, tháng 9/2000, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức thám sát (do ông Nguyễn Văn Quang chủ trì) đã đào thám sát 3 hố gồm 1 hố trên đỉnh đồi, 2 hố ở sườn phía Bắc đồi. Đáng chú ý, hố giáp sườn Bắc đồi rộng 2,5m2 có mật độ di vật dày đặc và hình thành nên 1 lớp văn hóa dày tới 1,3m (từ 0,4cm đến 1,7m).
Nhận thấy tầm quan trọng của di tích, Bảo tàng tỉnh Yên Bái tạm dừng thám sát và mời Viện Khảo cổ học phối hợp nghiên cứu. Đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ học gồm tiến sĩ Nguyễn Gia Đối và ông Đoàn Đức Thành tham gia phối hợp với Bảo tàng tỉnh Yên Bái. Căn cứ tình hình, đoàn thám sát quyết định mở thêm hố thứ tư liền kề và vuông góc với hố thứ hai với diện tích 2,5m2. Kết quả, cả 4 hố đã thu được 6.319 di vật, trong đó có 1.034 công cụ.
Di vật đá chủ yếu là các công cụ đá ghè đẽo, mảnh tước, cuội nguyên liệu và chày nghiền. Bên cạnh đó, một số mảnh gốm được nhận định thuộc văn hóa Phùng Nguyên cũng được phát hiện ở trên bề mặt di chỉ. Qua diễn biến hiện vật và sự ổn định của tầng văn hóa có thể nhận định, Bến Mậu A là một trong số rất ít di chỉ đá ngoài trời ở miền Bắc Việt Nam được bảo tồn tốt, có giá trị nghiên cứu về đặc trưng kỹ nghệ đá và văn hóa.
Đặc biệt, trong quá trình thám sát, khai quật năm 2000, các nhà khoa học đã phát hiện được rất nhiều hiện vật, trong đó có cả gốm thô giai đoạn tiền Đông Sơn, gốm Hán, một số gốm thời Lê, cũng có cả rìu bôn đá có vai (thuộc hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí). Điều này cho thấy đây là 1 di chỉ cư trú của người tiền sử qua nhiều thời kỳ, song đậm đặc nhất là dấu vết của người thời đại đá cũ. Từ đó, những người giám sát, khai quật cho rằng, Bến Mậu A là một di chỉ có sự chuyển tiếp từ văn hóa Sơn Vi sang văn hóa Hòa Bình, có yếu tố xưởng (xưởng sản xuất công cụ, nay là di vật khảo cổ học) ở Yên Bái và có giá trị rất lớn trong nghiên cứu mối quan hệ văn hóa Sơn Vi và văn hóa Hòa Bình ở lưu vực sông Hồng.
Bất ngờ và thú vị về người tiền sử
Sau lần khai quật thứ nhất, đến năm 2015, Trường Đại học Washington (Hoa Kỳ) đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Việt Nam) tiến hành khai quật và thám sát lần thứ 2.
Theo Bảo tàng tỉnh Yên Bái, sau khai quật và thám sát, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ben Marwick đại học Washington nhận định: Những hố thám sát đào khoảng 1 mét vuông mà có thể thu được cả nghìn hiện vật quả thật rất bất ngờ. Giả thuyết đưa ra đây là khu vực chế tác của người tiền sử. Nếu chứng minh được điều này sẽ là thông tin rất quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến lớn trong tổ chức sản xuất và quá trình phân công lao động của người tiền sử.
Còn theo kết luận sau khai quật và thám sát năm 2015, Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn cùng nhóm các nhà khoa học Viện Khảo cổ học cho biết: có thể khẳng định, Bến Mậu A là một di chỉ tiền sử ngoài trời thuộc văn hóa Hòa Bình, tồn tại vào thời điểm cuối Pleistocene - đầu Holocene ở miền Bắc Việt Nam. Đây là di chỉ có một địa tầng ổn định, không bị xáo trộn; quy mô di chỉ có thể phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu lâu dài trong tương lai.
Các kết quả phân tích niên đại mẫu than, thành phần bào tử, phấn hoa và thạch học đã cơ bản có thể phác dựng được diện mạo của di chỉ. Như một quy luật phổ biến trong việc lựa chọn địa bàn sinh cư, người cổ ở Mậu A cũng đã không nằm ngoài quy luật đó khi lựa chọn một một quả đồi nằm sát ngã ba sông Hồng và suối Ngòi A, cách không xa các nguồn nguyên liệu này. Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho quá trình kiếm ăn dọc các triền sông, có thể tiếp cận các cánh rừng phân bố không xa di chỉ.
Sau khi hoàn thành nghiên cứu sưu tập hiện vật đá trong hố thám sát, một số vấn đề được đặt ra là sự xuất hiện của di chỉ Bến Mậu A cách đây khoảng trên dưới 11.000 năm (được xác định niên đại bằng phương pháp phóng xạ các bon - C14 với độ sai lệch chỉ vài chục năm) diễn ra trong bối cảnh nào? Đây có phải đã có một sự dịch chuyển, một xu hướng từ bỏ lối sống truyền thống trong các không gian hang động để tiến hẳn ra ngoài trời? Liệu có sự xuất hiện của một không gian Hòa Bình mới - không gian ngoài trời và nó đánh dấu cho sự chấm dứt mô hình cư trú hang động? Hay bên cạnh không gian truyền thống - không gian thung lũng thì một mô hình cư trú mới được khai sinh và cả hai mô hình đó tồn tại song song với nhau cho đến cuối giai đoạn hậu kỳ đá mới?
Từ kết quả niên đại Mậu A và những kết quả niên đại tương đương đã được công bố trước đây về niên đại các hang động văn hóa Hòa Bình giúp chúng ta có thể khẳng định rằng, bên cạnh sự dịch chuyển ra khỏi các hang động, phần lớn cư dân Hòa Bình vẫn sử dụng ngôi nhà truyền thống - hệ thống các hang động/mái đá để sinh tồn. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều kiện nào đã dẫn tới quá trình mở rộng không gian cư trú của cư dân Hòa Bình cuối Pleistocene - sơ Holocene. Các kết quả nghiên cứu về hệ thống di chỉ phân bố ngoài trời ở Yên Bái và Tuyên Quang có thể lấp đầy khoảng trống này.
Đức Tưởng