Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại biểu chủ trì Hội nghị.
Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
|
Việc nhân rộng và phát triển phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo lộ trình để đảm bảo đến hết năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai mô hình; 80% bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã (tương đương 9.000 bác sĩ) được đào tạo định hướng y học gia đình; 100% phòng khám bác sĩ gia đình ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử… Kế hoạch cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của 3 mô hình: phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế xã, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước. Quy mô của các phòng khám bác sĩ gia đình này được xác định tùy thuộc vào mô hình bệnh tật ở địa phương, điều kiện nhân lực, trang thiết bị cơ sở vật chất cụ thể và mức độ bao phủ cụm dân cư. Khuyến khích mỗi phòng khám bác sĩ gia đình quản lý tối thiểu 500 hồ sơ quản lý sức khỏe người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng mô hình bác sĩ gia đình khi được hình thành và phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực. Qua thời gian thí điểm tại một số tỉnh, thành phố cho thấy phòng khám bác sĩ gia đình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, hoạt động bác sĩ gia đình sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, tiết kiệm được chi phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí bảo hiểm y tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội. Mô hình cũng tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm bớt những vấn đề bức xúc của xã hội.
Đồng tình với chương trình và các giải pháp của Bộ Y tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, với dân số trên 10 triệu người, mô hình bác sĩ gia đình là rất cần thiết đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là giải pháp tích cực giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân một cách liên tục, cơ bản, toàn diện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, để việc nhân rộng và phát triển mô hình hiệu quả, cần có sự chung tay, vào cuộc của hệ thống chính trị, cấp ủy các cấp. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho hoạt động mô hình bác sĩ gia đình.
Được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố từ năm 2013, Đề án thí điểm bác sĩ gia đình bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ: 6/8 tỉnh, thành phố thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình, thực hiện trên 3.800 ca cấp cứu, khám, chữa bệnh trên 800.000 lượt bệnh nhân, thực hiện 12.024 thủ thuật và chuyển tuyến 14.440 ca, khám bệnh tại nhà trên 3.000 ca và tư vấn trên 10.000 cuộc… 158/240 phòng khám đã thực hiện quản lý sức khỏe cho gần 200.000 người bệnh, khám sàng lọc trên 500.000 lượt người…/.