Trong những năm giá tiêu xuống thấp, thay vì bỏ bê vườn, không chăm sóc, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã lựa chọn mô hình kết hợp nuôi dê trong vườn tiêu giúp tăng thêm thu nhập, vượt qua giai đoạn khó khăn giúp người nông dân vẫn duy trì được diện tích trồng tiêu trong vườn.
Theo đó, các hộ nông dân áp dụng mô hình nuôi dê kết hợp trồng tiêu, lá cây được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi dê, tận dụng nguồn phân chuồng để làm vườn theo hướng hữu cơ. Với cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, đảm bảo hệ sinh thái chung cho đất, trả lại đất nguồn dinh dưỡng để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, vừa làm ra nông sản sạch được thị trường ưa chuộng.
Anh Đào Minh Hiền, ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cho biết, gia đình anh có hơn 3 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, gia đình anh dành phần lớn diện tích đất để trồng cây tiêu. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trước, khi vườn hồ tiêu của gia đình anh bắt đầu cho thu hoạch, đây cũng là giai đoạn giá hồ tiêu liên tục ở mức thấp, giá bán nông sản không đủ tiền công chăm sóc.
Qua quá trình nghiên cứu, anh được ngành chức năng tỉnh Đồng Nai hướng dẫn mô hình nuôi dê kết hợp vườn tiêu giúp tăng thu nhập. Ban đầu, anh quyết định mua dê giống với số lượng ít về chăm sóc, sau đó, nhận thấy hiệu quả cao từ mô hình này, anh quyết định gây đàn và nuôi lên quy mô khoảng 60 con/lứa như hiện nay.
Theo anh Đào Minh Hiền, trước khi nuôi dê, trong vườn tiêu đã có sẵn nguồn lá cây từ những cây trồng làm trụ đỡ cho cây tiêu, đây là nguồn thức ăn dồi dào cho dê. Các thành viên trong gia đình anh chỉ cần tốn công hái lá cho dê ăn nên khi nuôi dê hầu như không tốn thêm chi phí nào khác.
“Chúng tôi tận dụng nguồn cây thân gỗ, thân tre có sẵn tại vườn để làm chuồng nuôi, vật nuôi này ít xảy ra dịch bệnh nên cũng không quá nhiều rủi ro trong chăn nuôi. Vì lựa chọn phương thức chăn nuôi gối đầu, nên tháng nào tôi cũng có lứa dê xuất bán, nhờ vậy kinh tế gia đình ngày càng ổn định, vẫn có điều kiện chăm sóc tốt vườn tiêu chờ ngày nông sản này lên giá”, anh Đào Minh Hiền chia sẻ.
Cũng theo anh Hiền, từ khi đầu tư mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê, gia đình anh có dồi dào nguồn phân chuồng bón cho cây trồng để chuyển dần sản xuất theo hướng hữu cơ. Anh sử dụng phân dê trộn với tro, trấu ủ trong một thời gian cho hoai mục để làm nguồn phân chính bón cho vườn cây. Anh Hiền cho biết, đây là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí rất hiệu quả vì phân bón chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp. Và quan trọng hơn, sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo hướng hữu cơ nên đảm bảo an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tương tự, nhờ kết hợp trồng tiêu và nuôi dê theo hướng sản xuất sạch, nhiều năm qua, gia đình anh Đinh Văn Tài, ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có kinh tế phát triển, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng.
Anh Đinh Văn Tài cho biết, gia đình anh có hơn 1 ha trồng tiêu, thay vì làm trụ tiêu bằng bê tông thì anh chọn trồng cây xoan để làm trụ tiêu. Năm 2020, anh bắt đầu kết hợp chăn nuôi dê và trồng tiêu, đến nay sau hơn 3 năm, đàn dê của anh cũng đạt gần 100 con, trung bình mỗi tháng đều có dê xuất bán giúp gia đình có thu nhập ổn định, có vốn để đầu tư cho vườn tiêu theo kiểu lấy ngắn nuôi dài.
“Hiện tại giá dê hơi thương lái mua tận chuồng có giá dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, cao hơn gấp 2 lần so với năm trước. Đây là mức giá người nông dân nuôi dê đạt lợi nhuận tốt và có vốn để đầu tư tái đàn, tăng đàn”, anh Tài cho biết.
Theo đánh giá của những người nông dân nuôi dê, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt dê của thị trường ngày càng lớn, nên đầu ra cho loại vật nuôi này khá ổn định. Các gia đình thường chọn cách nuôi dê gối đầu nên hầu như tháng nào cũng có dê xuất bán và có nguồn thu nhập thường xuyên để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện nay mô hình chăn nuôi dê kết hợp với trồng tiêu đang được địa phương tiếp tục nghiên cứu và đã ứng dụng ở nhiều nơi, mô hình cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Với mô hình này, người dân có thể tận dụng lá cây cho dê ăn, sau đó dùng phân dê để ủ bón là loại phân tốt cho cây sinh trưởng và phát triển.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai mong muốn nếu đủ điều kiện, người dân nên phát huy, nhân rộng mô hình này tạo canh tác tuần hoàn và phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tạo một hệ sinh thái khép kín rất tốt trong sản xuất góp phần tránh lãng phí nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Lê Xuân