Nhà văn Đỗ Bích Thúy và những trang viết đậm dấu ấn văn hóa dân tộc miền núi

Nhà văn Đỗ Bích Thúy và những trang viết đậm dấu ấn văn hóa dân tộc miền núi

Đỗ Bích Thúy là một nhà văn ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc bằng các tác phẩm viết về dân tộc thiểu số và miền núi. Chị đã xuất bản 23 cuốn sách, trong đó có 6 cuốn tiểu thuyết, còn lại là các tập truyện ngắn, truyện vừa và tản văn, hầu hết các tác phẩm của chị viết về miền núi, về các vùng văn hoá Mông, Tày, Dao...

Than đỏ dưới tro tàn

Nhà văn Đỗ Bích Thúy vừa ra mắt công chúng cuốn tản văn có tựa đề "Than đỏ dưới tro tàn". Sách do nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Liên Việt ấn hành. Đây là tập tản văn thứ 5 của Đỗ Bích Thúy - được xem như phần tiếp nối của cuốn "Tôi đã trở về trên núi cao" - tập tản văn cũng do Liên Việt liên kết xuất bản năm 2018, đã được nhiều bạn đọc yêu thích.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy và những trang viết đậm dấu ấn văn hóa dân tộc miền núi ảnh 1

Nhà văn Đỗ Bích thúy, người đẹp với áng văn đẹp của Cao nguyên Đông bắc. Ảnh: vhdn.vn

Trong tập sách này, như thường thấy, nhà văn Đỗ Bích Thúy vẫn dành phần lớn số trang cho các bài viết về miền núi với những ký ức trong trẻo, gắn liền với cái thung lũng chị được sinh ra, lớn lên, những kí ức gắn với bạn bè, người thân và rất nhiều người chị có duyên gặp gỡ. Đó là những trang viết mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc miền núi với câu chuyện kể về phong tục đón Tết, chơi Xuân của đồng bào quê chị. Đó là hình ảnh của chàng trai dân tộc Mông đi chợ phiên uống rượu say, nằm sõng soài bên vệ đường, cắm đầu vào bụi ngô ngủ; là câu chuyện về ngôi làng người Dao nằm tít trên cao, hay hồi ức về những nhọc nhằn của cô giáo cắm bản ở vùng cao… Trong tập tản văn này còn có nhiều bài tác giả viết trong những chuyến đi đến các vùng miền khác, không phải về miền núi, nhưng rồi những hồi ức về miền núi vẫn luôn trở lại.

Đọc "Than đỏ dưới tro tàn", độc giả có thể cảm nhận độ "chín" của một người đã có hơn ba mươi năm cầm bút, đi nhiều và luôn chăm chú quan sát cuộc sống, điều đó khiến cho tản văn của Đỗ Bích Thúy đằm sâu hơn, day dứt hơn, nhiều chiêm nghiệm hơn.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ, nhan đề của cuốn tản văn xuất phát từ bài viết của thầy chị - nhà văn, nhà phê bình văn học Văn Giá, người đã gọi chị là "Viên than đỏ dưới lớp tro tàn". "Tinh thần xuyên suốt và thông điệp tập tản văn muốn gửi đến bạn đọc là thông điệp về những con người luôn vượt qua khó khăn, thử thách, để sống một cuộc sống đầy khát vọng. Đó cũng là tinh thần trong suốt cuộc sống hàng ngày của tôi, bởi không có cuộc sống nào dễ dàng, mọi người luôn phải đối diện thử thách, đối diện với những gánh nặng, với những thăng trầm trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng là người ta sẽ vượt qua nó như thế nào", nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ. Đặc biệt, trong cuốn sách này có 15 bức minh hoạ của họa sỹ Lê Thiết Cương, một số bức được in trên giấy dó, kèm theo một tấm postcard được thiết kế rất tinh tế với dòng chữ: "Sách của bạn, lòng biết ơn của tôi" - lời tri ân Đỗ Bích Thúy muốn gửi tới bạn đọc, những người đã lặng lẽ âm thầm, đồng hành cùng chị trong suốt những năm tháng qua.

Gắn bó với dân tộc miền núi

Nhà văn - Thượng tá Đỗ Bích Thúy sinh ra, lớn lên ở Hà Giang, về Hà Nội công tác từ năm 2001, sau khi chị đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn "Hướng tới giao thừa thiên niên kỷ" của tạp chí Văn nghệ Quân đội. 22 năm sống, làm việc tại Hà Nội, Đỗ Bích Thúy in 23 cuốn sách, trong đó, có các thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, tản văn đến tiểu thuyết, chưa kể các kịch bản phim. Nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, có tiếng vang lớn, như: "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" chuyển thể thành phim "Chuyện của Pao", "Chúa đất", "Người yêu ơi"… Các tác phẩm của chị chủ yếu về đề tài miền núi, mang đậm hơi thở của cuộc sống vùng cao, với những con người, số phận, những phong tục tập quán của người Mông, người Tày; những lễ hội, tang ma, cưới xin, những làn điệu dân ca độc đáo… Qua ngòi bút của Đỗ Bích Thúy, những hình ảnh người dân tộc thiểu số được hiện lên một sách sinh động, rõ nét chân thật, giàu sức sống.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy và những trang viết đậm dấu ấn văn hóa dân tộc miền núi ảnh 2“Lặng yên dưới vực sâu”- bộ phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thúy được khán giả yêu thích. Ảnh: baodantoc.vn

Trong số những nhà văn thuộc thế hệ 7X, Đỗ Bích Thúy được xem là người lao động bền bỉ, kiên định và quyết liệt trên một lối đi riêng mà chị tự cho rằng mình rất may mắn, đó là gắn bó với một đề tài "ruột" - dân tộc thiểu số và miền núi. Cách đây hơn 20 năm, khi Đỗ Bích Thúy chuyển về Hà Nội, nhiều người đã tỏ ra lo ngại rằng việc rời xa miền đất ruột thịt sẽ khiến chị không thể viết tiếp về miền núi được nữa. Nhưng thực tế ngược lại, càng rời xa lâu thì tình yêu với miền núi của chị dường như càng mãnh liệt. Nhìn lại hành trình sáng tạo của nhà văn Đỗ Bích Thúy, có thể thấy những trang viết của chị luôn mang đậm hơi thở vùng cao, từ khung cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt đến tâm hồn, nếp nghĩ… Đỗ Bích Thúy đã tạo được dấu ấn riêng, khi đưa độc giả đến những vấn đề mang đậm hơi thở của cuộc sống đương thời của người dân tộc, trong thế giới văn học của mình.

Ở tập tản văn "Than đỏ dưới tro tàn", ngay cả khi chị viết về những vùng đất mới mẻ, xúc cảm của chị cuối cùng vẫn cứ kết nối với nơi chị đã được sinh ra. Nói như Đỗ Bích Thúy tự nhận, mỗi khi viết về miền núi - không gian văn chương thân thuộc và tha thiết nhất - chị lại có cảm giác "về nhà". "Về nhà" cũng là cách Đỗ Bích Thúy gọi mỗi khi chị về miền núi, bởi với chị, núi rừng ở đâu, là nhà chị ở đó.

"Tôi sẽ trả tôi về bên những ngọn núi, để cuối cùng có thể sống nốt cuộc đời mê say" – câu viết trong bài tản văn cuối cùng của Đỗ Bích Thúy trong cuốn "Than đỏ dưới tro tàn" khiến người đọc cảm nhận sự khao khát được trở về với đại ngàn, với không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở miền núi. Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ, bản thân các vùng văn hóa dân tộc thiểu số, ngay cả khi chỉ khu biệt riêng đề tài về dân tộc Mông, chị có viết cả đời cũng không hết được chất liệu, không hết được cái vùng văn hóa đó. "Tôi mới chỉ đi được một góc rất nhỏ, đó là góc mà tôi nhìn thấy và hiểu nhất, nhưng chắc chắn còn những góc khác mà tôi chưa nhìn thấy, chưa phát hiện ra. Tôi có dùng cả đời để viết văn, viết tiểu thuyết, truyện ngắn hay kịch bản phim về miền núi và dân tộc thiểu số, về vùng văn hóa Mông hay văn hóa Tày cũng không đủ sức mà viết hết", nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ.

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm