Nguy cơ bùng phát bọ cánh cứng gây hại trên cây cà phê ở Kon Tum

Nguy cơ bùng phát bọ cánh cứng gây hại trên cây cà phê ở Kon Tum
Vào mùa mưa, người trồng cà phê ở Kon Tum lại phải “chong đèn” canh bọ canh cứng. Ảnh: Quang Thái - TTXVN
Vào mùa mưa, người trồng cà phê ở Kon Tum lại phải “chong đèn” canh bọ canh cứng. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Mới chỉ bước vào đầu mùa mưa năm 2019, tại một số vườn cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 709 đã xuất hiện bọ cánh cứng. Dù chưa nở rộ như năm 2018, nhưng với sự xuất hiện rải rác ở các vườn cây cà phê cũng khiến người dân lo lắng.

Ghi nhận thực tế tại các vườn cà phê trên địa bàn xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà, thời tiết mưa phùn nhiều ngày qua là môi trường thuận lợi để bọ cánh cứng sinh sôi, phát triển. Ở một số vườn cây đã có hiện tượng bọ cánh cứng cắn lá, cành nham nhở. Đặc biệt, một số diện tích cà phê tái canh năm thứ 2, 3 của Công ty TNHH MTV Cà phê 704, nhiều cây non đã bị cắn lá, cành, khiến công ty đang rất lo lắng

Theo ông Nguyễn Văn Bể, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 704, thời gian này là thời điểm con bọ cánh cứng bắt đầu phát triển. Đặc biệt tầm đầu tháng 7 sang tháng 8 phát triển rất mạnh, nhất là những con ấu trùng đã nở ra ở dưới đất bắt đầu trưởng thành và bay lên phá hoại cây cà phê.

Dù mùa vụ năm 2018, khi bọ cánh cứng bùng phát thành dịch, người dân, công ty đã tăng cường công tác theo dõi, tiêu diệt loại bọ cánh cứng này. Hàng chục ngày công, vật tư đã được huy động tập trung cho việc diệt trừ bọ cánh cứng. Tuy nhiên, theo đánh giá của phía Công ty TNHH MTV Cà phê 704 “cũng chỉ mới dừng lại ở việc khống chế, chứ chưa diệt trừ hoàn toàn loại bọ này”.

“Đến giờ phút này so với thời điểm năm trước, thì có thể khẳng định đã diệt được khoảng 90%. Tuy nhiên, con bọ cánh cứng vẫn chưa được diệt triệt để, vẫn còn xuất hiện rải rác trên một số diện tích từ 5-7%", ông Bể cho biết thêm.

Niên vụ cà phê năm 2018, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 bị thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng do dịch bọ cánh cứng tàn phá. Diện tích bị ảnh hưởng chủ yếu đang trong giai đoạn tái canh năm thứ 1, thứ 2. Đặc biệt, có 7,5 ha cà phê vừa tái canh đã bị dịch bọ cánh cứng tàn phá, không còn khả năng phục hồi. Lo ngại bọ cánh cứng bùng phát, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng mùa vụ cà phê 2019, công tác phòng chống dịch đang được phía công ty tích cực triển khai.

Lấy kinh nghiệm diệt trừ bọ cánh cứng ở niên vụ 2018, ngay từ những ngày đầu mùa mưa, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 đã xây dựng phương án đối phó với “vấn nạn bọ cánh cứng”. Theo đó, tập trung vào công tác theo dõi thường xuyên, liên tục cả ban ngày và ban đêm. Phối hợp với phía người dân nhận khoán, chuẩn bị vật tư, thuốc… để sẵn sàng ứng phó với dịch bọ cánh cứng, đặc biệt, với những diện tích cà phê tái canh, cà phê mới trồng.

Ông Nguyễn Văn Bể cho biết, lo ngại dịch bọ cánh cứng sẽ xuất hiện trở lại trong điều kiện thời tiết như hiện nay, phía công ty đã đề ra nghị quyết, xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật lực để đối phó với bọ cánh cứng. Hiện nay, qua công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên trên các vườn cà phê, bọ cánh cứng đã xuất hiện nhưng với mật độ nhỏ, rải rác. Công ty vẫn đang tiếp tục cử cán bộ theo dõi thường xuyên, nhất là trong khung giờ từ 18 giờ- 21 giờ đêm, bởi đây là thời điểm con bọ cánh cứng chui từ dưới đất lên và bay vào không trung giao phối. Khi rơi xuống cành, lá cây cà phê hay thậm chí cây cỏ, keo… chúng ăn trụi lá và vỏ”.

Bên cạnh chủ động công tác phòng chống dịch bọ cánh cứng, công tác phục hồi vườn cây bị bọ cánh cứng phá hoại năm 2018 cũng được phía công ty triển khai. Theo ông Nguyễn Văn Bể, đối với diện tích hơn 7,5 ha bị bọ cánh cứng tàn phá hoàn toàn hiện công ty đã có kế hoạch trồng mới lại, từ nay đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành. Còn riêng diện tích hơn 65 hecta cà phê tái canh năm thứ nhất, thứ 2 sau hơn 1 năm chăm sóc nay đã phục hồi được 90%.

“Ảnh hưởng nặng nề nhất của loại bọ này chính là chúng cắn hết lá, cành cây, thậm chỉ ăn cả vỏ nên công tác phục hồi được vườn cây rất khó khăn và tốn kém. Với những vườn cây bị tàn phá khoảng 30- 40% thì có thể phục hồi được, còn những vườn cây bị nặng thì rất khó. Hơn nữa, khi đã phục hồi được cũng phải mất thêm 1 năm nữa mới có thể cho thu hoạch. Vì vậy, loại bọ này đang gây “thiệt đơn, thiệt kép” cho người trồng cà phê”, ông Bể cho biết thêm.

Với diễn biến thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của bọ cánh cứng như hiện nay, người trồng cà phê ở Đăk Hà đang phải “mất ăn, mất ngủ” để canh giữ vườn cây. Hy vọng, với sự chủ động trong công tác phòng trừ loại bọ này, người trồng cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum sẽ có được một mùa vụ mới 2019 bội thu.
Quang Thái
TTXVN

Có thể bạn quan tâm