Người Xê-đăng bảo vệ “Lá phổi xanh”

Rừng có vai trò quan trọng trong đời sống của người Xê-đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Để gìn giữ rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng, người Xê-đăng luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ “Lá phổi xanh”.

22.jpg
Tính đến nay, huyện Tu Mơ Rông có độ che phủ rừng đạt gần 70%. Ảnh: Văn Phương

Khoảng hơn 15 năm trở về trước, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông thường xảy ra tình trạng người dân phá rừng làm rẫy. Nhưng đến nay, câu chuyện này đã lùi xa vào “dĩ vãng”. Đặc biệt, kể từ khi nhận thấy sâm Ngọc Linh chỉ sống được dưới tán rừng, người Xê-đăng càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng để phát triển loài dược liệu quý giá này.

2-tu mo rong-van phuong.JPG
Cán bộ kiểm lâm trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hướng dẫn đồng bào Xê-đăng phương pháp trồng và bảo vệ, chăm sóc rừng. Ảnh: Văn Phương

Với sự hỗ trợ, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, người Xê-đăng ở Tu Mơ Rông tích cực tham gia phát triển rừng. Những năm vừa qua, diện tích trồng rừng ở Tu Mơ Rông luôn vượt chỉ tiêu từ 50 - 200%. Riêng năm 2023, Tu Mơ Rông đã trồng được trên 520 ha rừng, vượt gần 100 ha so với chỉ tiêu được giao. Hằng trăm hộ dân còn tự bỏ kinh phí để trồng 193,08 ha rừng tập trung và 120.239 cây rừng phân tán.

10-tu mo rong-van phuong.JPG
Người Xê-đăng ở huyện Tu Mơ Rông tích cực tuần tra, bảo vệ những cánh rừng. Ảnh: Văn Phương

Người Xê-đăng tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng. Đó là cộng đồng dân cư thôn Ty Tu, xã Đăk Hà nhận quản lý, bảo vệ trên 190 ha rừng; 68 cộng đồng và 51 nhóm hộ nhận quản lý, bảo vệ hơn 16.000 ha rừng. Với sự chung tay của người Xêđăng, “Lá phổi xanh” ở Tu Mơ Rông đã giữ được màu xanh như từng có trước đó.

9.jpg
Người Xê-đăng ở huyện Tu Mơ Rông tham gia trồng rừng. Ảnh: Văn Phương

Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông thông tin: Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã trồng mới được gần 300 ha rừng. Đăk Hà phấn đấu đến năm 2025 sẽ trồng khoảng 500 ha rừng. Xã luôn chủ động tuyên truyền, vận động người Xê-đăng trồng rừng để được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết của đồng bào về lợi ích từ việc trồng rừng mang lại.

18-tu mo rong-van phuong.jpg
Nhờ có rừng mà đến nay huyện Tu Mơ Rông phát triển được hơn 1.700 ha sâm ngọc linh dưới tán rừng. Ảnh: Văn Phương
8-tu mo rong-van phuong2B.jpg
Nhiều du khách thích thú khám phá những cánh rừng già ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Văn Phương

Nhờ nâng cao ý thức của người Xê-đăng nên những cánh rừng ở Tu Mơ Rông được gìn giữ, bảo vệ, không còn tình trạng phá rừng trái phép. Đến nay, toàn huyện có 23.198,15 ha rừng phòng hộ; 53.230,55 ha rừng tự nhiên; 34.239,21 ha rừng sản xuất và 19.969,87 ha chưa thành rừng. Độ che phủ rừng là 66,99%.

Văn Phương

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm