Người giữ nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông ở Đắk Ngo

Người giữ nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông ở Đắk Ngo
Dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng ngày ngày ông Chả A Thùng vẫn miệt mài với nghề rèn truyền thống
Dù đã ngoài 60 tuổi, nhưng ngày ngày ông Chả A Thùng vẫn miệt mài với nghề rèn truyền thống
Theo ông Thùng thì để rèn được một con dao, xà gạc, lưỡi cuốc tốt không phải là điều đơn giản. Người thợ phải thực hiện tốt các quy trình, công đoạn như nung sắt, tôi sắt và mài. Để cho thanh sắt không bị sứt mẻ, non, nhanh hư thì khi nung, người thợ phải giữ lửa sao cho không quá non cũng không quá già. Lửa vừa phải, đủ độ nóng, khi nung sắt đến độ đỏ thì dùng búa đập cho đến khi sắt nguội rồi lại cho vào lò nung, cứ như vậy cho đến khi tạo được hình dáng của sản phẩm thì mới thôi và mang đi mài.

Kỹ thuật mài cũng đòi hỏi sự công phu và khéo léo, nên ông phải ra tận suối nhặt những viên đá lớn, có độ nhẵn cao về mài thì dao mới bén, chặt nhát nào ra nhát ấy.

Với ông Thùng, mỗi sản phẩm làm ra là một “đứa con tinh thần”, bởi lẽ nó chứa đựng biết bao tâm huyết của một người thợ lành nghề. Và để có một sản phẩm như ý thì đòi hỏi người thợ rèn phải có lòng kiên trì, nhẫn nại, khéo léo trong từng công đoạn, động tác.

Nghề rèn không chỉ giúp ông gìn giữ truyền thống của gia đình mà còn là công việc mưu sinh, giúp gia đình có thêm thu nhập. Không chỉ rèn các công cụ lao động, phục vụ sản xuất mà ông còn làm thành thạo các “lưỡi gà” để chế tác một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc như khèn môi, sáo... Để duy trì nghề truyền thống của gia đình, những lúc rảnh rỗi, ông truyền dạy các kỹ thuật nung, tôi, luyện sắt cho những thành viên trong gia đình.

Ông Thùng cho biết: “Với tôi, nghề rèn đã thấm sâu vào máu thịt. Nghề này tuy vất vả nhưng cũng dạy cho tôi đức tính kiên trì, nhẫn nại. Tôi yêu nghề và sẽ tiếp tục giữ nghề cho đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”.

Ông Sùng A Sẩu, ở bản Si Át- một trong những khách hàng của ông Thùng cho rằng, cuộc sống ngày càng hiện đại nên việc giữ gìn nghề rèn truyền thống của gia đình như ông Thùng là điều đáng quý và đáng trân trọng. Ông cũng như các gia đình trong bản thường đặt mua dao, cuốc ở nhà ông Thùng. Những sản phẩm do ông ấy làm ra không chỉ bền, đẹp, sắc mà còn thể hiện được tấm lòng của một người con muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Mông.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm