Người đưa đò” nơi xã đảo cực Nam Tổ quốc

Người đưa đò” nơi xã đảo cực Nam Tổ quốc
Lần đầu tiên đặt chân đến đây, một miền quê mà dân gian hay có câu ví “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, cô Phương mới chỉ là một cô giáo trẻ ngoài hai mươi tuổi, có lần khi đi dạy, cô bị ngã xuống sông, học trò phải nhảy xuống cứu cô giáo. Rất nhiều người đã hỏi cô tại sao lại chọn nơi này, chọn sự khó khăn vất vả...,cô chỉ cười và trả lời đó đơn giản là cái duyên, cô có duyên với nơi này, nơi này là nơi cô gắn bó, yêu thương và cô nguyện sẽ sống hết mình với nó. Hàng này, cô cùng các đồng nghiệp vượt qua cầu khỉ để đến trường dạy học cho các em. 
 
Một giờ lên lớp của cô Nguyễn Bạch Yến Phương.
Một giờ lên lớp của cô Nguyễn Bạch Yến Phương. 

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc về ngày đầu tiên làm cô giáo, với cô Phương vẫn như vừa hôm qua. Những ngày tháng đầu lên lớp, bàn tay cô còn run run khi viết nét phần đầu tiên, giáo án thường xuyên bị “cháy”, nhưng cái duyên với nghề giáo cùng với sự động viên của đồng nghiệp đã giúp cô cố gắng từng ngày để hoàn thiện mình, ngày càng vững vàng hơn trên bục giảng. 

Những suy nghĩ và việc làm của cô Yến Phương xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu học sinh
Những suy nghĩ và việc làm của cô  Yến Phương xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu học sinh

Giờ đây, dù còn nhiều khó khăn, ngôi nhà cô đang ở vẫn là nhà thuê, nhưng cô Phương vẫn gắn bó với các em học sinh ở xã đảo này. Thầy Đỗ Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và đào tạo huyện Ngọc Hiển cho biết, gần 80% giáo viên đang công tác ở đây đều là người ngoài địa phương. Vì thế, nhu cầu về nhà ở cho các thầy cô là rất lớn. Điển hình như tại trường tiểu học Tân Ân, trường có 28 cán bộ, giáo viên, trong đó chỉ có 6 người là người địa phương. Nhưng đến nay trường chỉ mới có 2 căn nhà công vụ.

Sau giờ tan học cô Phương đều đưa các em xuống đò ngang để sang sông được an toàn.
Sau giờ tan học cô Phương đều đưa các em xuống đò ngang để sang sông được an toàn. 

Cô giáo Yến Phương là một trong những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn nhất. Thế nhưng, những năm qua cô đều nỗ lực vượt lên, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Kể từ khi về công tác tại huyện Ngọc Hiển vào năm 1994, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, là chiến sĩ thi đua cơ sở…Vừa qua, cô là một trong hai giáo viên tiêu biểu đang công tác tại các xã đảo của tỉnh Cà Mau được ra Hà Nội nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Cô Phạm Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Tân Ân cho biết, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương chiếm trên 70%, các hộ này đa phần đều là người nơi khác đến sinh sống. Vì thế, việc học hành của con em thường không được chú trọng. Để các em đến trường chuyên cần, đó là sự nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục địa phương, bên cạnh đó là sự nỗ lực của từng giáo viên đã tiếp cận gia đình các em để vận động, động viên các phụ huynh không để con em mình phải bỏ học. 

Gia đình các em học sinh nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn khiến việc chăm lo cho các em còn nhiều hạn chế. Sau giờ tan học cô Phương đều đưa các em xuống đò ngang để sang sông được an toàn.
Gia đình các em học sinh nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn khiến việc chăm lo cho các em còn nhiều hạn chế. Sau giờ tan học cô Phương đều đưa các em xuống đò ngang để sang sông được an toàn.

Tại địa phương, các chương trình giáo dục cấp mầm non, mẫu giáo còn nhiều hạn chế, mới chỉ được thực hiện trong gần 3 năm qua. Vì thế các giáo viên bậc tiểu học, đặc biệt là khối lớp 1 chính là những người có trách nhiệm nặng nề nhất. Để phụ trách được khối lớp 1, bản lề cho những lớp sau, rất cần một giáo viên có đủ bề dày kinh nghiệm, trên hết vẫn là sự tâm huyết. Do đó, nhiều năm qua, trường đã phân công cô giáo Nguyễn Bạch Yến Phương chuyên phụ trách khối lớp này. 

Cô Phương chia sẻ, với các em học sinh yếu kém, ngoài giờ lên lớp, cô thường phụ đạo cho các em, nhiều khi còn bị phụ huynh hiểu lầm là dạy để lấy tiền. Nhưng vượt trên tất cả, cô chỉ muốn truyền cho các em tinh thần vượt khó, quyết tâm vươn lên bằng con đường học tập. 
Nghề giáo còn nhiều khó khăn, nhưng cô Phương vẫn hướng đứa con gái duy nhất của mình tiếp nối truyền thống của gia đình để theo ngành sư phạm với hy vọng sau này sẽ tiếp nối cô mang con chữ đến với các em. Những suy nghĩ và việc làm ấy của cô Nguyễn Bạch Yến Phương chính là xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu học sinh, xuất phát từ cái tâm của người nguyện gắn bó với nghiệp “đưa đò” nơi xã đảo ở tận cùng cực Nam Tổ quốc./. 

 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm