Suốt hơn 2 năm qua, cuộc sống của gần 1.800 người dân tại 3 làng: Bôn Phu Ma Nher I, Bôn Phu Ma Nher II, Bôn Phu Ma Miơng (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) luôn bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh (thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Thành Thành Công - Chi nhánh Gia Lai).
Tình trạng ô nhiễm xuất hiện từ năm 2022 khi nhà máy này đi vào hoạt động.
Bất kể ngày đêm, hàng trăm hộ dân luôn phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào nhà, ám vào quần áo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, tinh thần của người dân.
Ông Nay Phem, sống ở làng Bôn Phu Ma Nher II, xã Ia Rtô cho biết, mùi mùi hôi từ nhà máy này rất kinh khủng.
Ông Kpă Tê, sống ở làng Bôn Phu Ma Nher I cũng bức xúc chia sẻ: Cách xa 5-6 cây số, người dân vẫn ngửi thấy mùi hôi thối, thì những gia đình sinh sống ngay gần nhà máy sẽ bức bách và khó chịu lắm. Thời điểm nào cũng có mùi thối nên gia đình rất lo sợ tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nỗi bức xúc xen đang hiện hữu trong người dân nơi đây khi họ đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương, thậm chí các cấp cao hơn nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ông Lê Văn Sơn, trú tại làng Bôn Phu Ma Nher I cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và tỉnh đã cử đoàn xuống kiểm tra, nhưng vẫn chưa giải quyết được. Chỉ vài tháng sau, mùi hôi thối lại xuất hiện trở lại và càng trầm trọng hơn.
Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh được xây dựng tại Cụm công nghiệp Ia Sao, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa với công suất 10 tấn phân vi sinh/giờ. Nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ bã bùn mía, tro lò, phân gà, bã mía và than bùn. Hàng nghìn khối nguyên liệu được tập kết, chất thành đống cao, phơi ủ trên nền xi măng rộng khoảng 6.000 m2 và không được che chắn, phủ bạt cẩn thận. Đây cũng chính là nguyên nhân khởi nguồn cho mùi thối bốc lên nồng nặc, bất cứ ai đi ngang qua khu vực này cũng đều lắc đầu ngao ngán.
Cụm công nghiệp Ia Sao nằm cách khu dân cư không xa, do đó 3 ngôi làng Bôn Phu Ma Nher I, Bôn Phu Ma Nher II và Bôn Phu Ma Miơng của xã Ia Rtô với hơn 400 hộ dân, gần 1.800 nhân khẩu gần như hứng chịu toàn bộ mùi hôi thối do nhà máy này gây ra.
Theo UBND xã Ia Rtô, trước những phản ánh quyết liệt từ người dân, vào khoảng tháng 9/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã xuống kiểm tra và yêu cầu nhà máy cam kết xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Thậm chí, tháng 4/2023, UBND thị xã Ayun Pa tiến hành lập biên bản xử phạt 30 triệu đồng đối với nhà máy do vi phạm quy định về tập kết nguyên liệu sản xuất phân bón không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục tái diễn và ngày càng trầm trọng hơn.
Ông Lê Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Ia Rtô cho biết, thời gian gần đây, không thấy người dân có ý kiến lên chính quyền địa phương nên xã không có thông tin để kiến nghị lên cấp trên xử lý. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy đang gây ảnh hưởng cho các hộ dân sinh sống xung quanh. Địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị đến các cấp chính quyền để xử lý, giải quyết dứt điểm mùi hôi thối, tránh gây hệ lụy xấu về sau.
Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công - Chi nhánh Gia Lai đã cam kết thực hiện 6 nhóm giải pháp xử lý mùi hôi phát sinh trong sản xuất phân bón theo Công văn số 04/2022/CV-TTCADGL gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, nhiều hạng mục quan trọng trong các giải pháp này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ sau hơn một năm rưỡi. Cụ thể, giải pháp trồng cây xanh để tạo cảnh quan, chắn gió và tạo không khí trong lành chưa được triển khai. Việc đầu tư làm mái che sân nguyên liệu để đẩy nhanh tiến độ xử lý nguyên liệu và hạn chế mùi hôi cũng bị chậm trễ. Thêm vào đó, việc gom gọn bã bùn thành đống cao và phủ bạt cũng không được thực hiện thường xuyên, dẫn đến tình trạng bã bùn phát sinh mùi hôi trong quá trình chờ xử lý.
Từ thực tế trên, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn, yêu cầu nhà máy thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã cam kết để chấm dứt tình trạng ô nhiễm, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.
Hoài Nam - Xuân Huy