Người dân Phú Thiện mong muốn có cầu dân sinh để thuận tiện đi lại, giao thương

Người dân Phú Thiện mong muốn có cầu dân sinh để thuận tiện đi lại, giao thương

Hàng trăm hộ dân tại thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải đối mặt với hành trình nguy hiểm khi lựa chọn qua sông Ayun để đến các khu đất canh tác tại xã Chư A Thai và Ia Sol. Thay vì đi đường vòng xa hơn 10 km, họ chấp nhận rủi ro đi qua dòng nước chảy xiết để tiết kiệm thời gian và công sức.

Người dân Phú Thiện mong muốn có cầu dân sinh để thuận tiện đi lại, giao thương ảnh 1Người dân vùng sâu, vùng xa phải lội suối đi làm. Ảnh: TTXVN phát

Bất chấp nguy hiểm vượt sông

Theo số liệu thống kê của Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Thiện, khoảng 300 hộ dân của tổ dân phố 1 và 2, thị trấn Phú Thiện sở hữu khoảng 200 ha đất sản xuất nằm bên kia sông Ayun. Hàng ngày, họ phải vượt qua sông đến nương rẫy hoặc chăn thả gia súc, bất chấp tiềm ẩn rủi ro đến tính mạng.

Đối với cư dân thị trấn Phú Thiện, việc người dân lựa chọn con đường tắt là lội qua sông Ayun rộng hơn 20 m (tại đoạn giáp ranh giữa thị trấn Phú Thiện và xã Chư A Thai, Ia Sol) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Nếu đi đường vòng qua ngã ba Plei Tăng để đến xã Chư A Thai, người dân sẽ phải di chuyển một quãng đường dài hơn 10 km; trong khi đó, lựa chọn việc vượt sông chỉ mất khoảng hơn 1 km.

Chị Rơ Cơm H’Mon (tổ 2, thị trấn Phú Thiện) chia sẻ, gia đình chị có hơn 1 ha đất trồng lúa và bắp bên kia sông. Dù biết rõ nguy hiểm nhưng vì đất đai và bãi chăn thả gia súc đều nằm bên kia sông, chị vẫn lựa chọn con đường ngắn hơn. Có những lần, chị suýt bị nước cuốn trôi khi vượt qua sông.

Theo chị Rơ Châm H’Đer (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Thiện), mỗi lần vượt sông, chị đều cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Những mối nguy hiểm không thể đoán trước luôn rình rập, đặc biệt là vào mùa mưa khi đập thủy lợi Ayun Hạ xả nước khiến mực nước sông Ayun dâng cao, rất nguy hiểm.Người dân địa phương mong muốn có một cây cầu để việc đi lại và vận chuyển nông sản trở nên thuận tiện hơn.

Đang gói ghém đồ đạc chuẩn bị bơi qua sông, anh Siu Đại (trú tổ 9, thị trấn Phú Thiện) cho hay, gia đình anh có khoảng 3 ha trồng mì và lúa bên kia sông. Do đó, hàng ngày anh phải bơi qua sông để thăm rẫy. Trước đây, người dân đã cùng nhau xây dựng cầu tạm nhưng cây cầu không trụ vững được trong mùa lũ.

Khu vực ngã ba sông từ lâu đã là con đường đi lại quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số tại tổ dân phố 1 và 2, thị trấn Phú Thiện. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền và cảnh báo về nguy hiểm của việc đi tắt qua sông, nhất là trong dịp xả lũ hay mùa mưa. Tuy nhiên vì mưu sinh, người dân vẫn không ngần ngại lội qua sông Ayun để đến nương rẫy. Theo ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Thiện, việc có một cây cầu bắc qua sông tại khu vực này là hết sức cấp thiết. Chính quyền địa phương mong Nhà nước sớm bố trí nguồn vốn xây cầu để bà con đi lại thuận tiện hơn, bớt nguy hiểm mỗi lần vượt sông đến nơi sản xuất.

Kiến nghị bố trí vốn để xây cầu

Để chuẩn bị cho việc xin nguồn vốn xây dựng cầu, thị trấn Phú Thiện đã tiến hành giải phóng mặt bằng tuyến đường Wừu (nối từ Quốc lộ 25 đến vị trí dự kiến xây cầu). Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho việc xây dựng cầu trong tương lai. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Thiện Đinh Văn Chinh chia sẻ, nếu cầu được xây dựng, không chỉ người dân thị trấn được lợi mà còn thúc đẩy giao thương hàng hóa, kết nối giao thông giữa tỉnh lộ 662B (huyện Ia Pa) với Quốc lộ 25; đồng thời, giúp người dân xã Chư A Thai tiếp cận trung tâm nhanh chóng, rút ngắn hơn 10 km.

Ông Nguyễn Khanh, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý dự án huyện Phú Thiện cho biết, Dự án đường từ thị trấn Phú Thiện đi xã Chư A Thái đã được đưa vào Chương trình đầu tư của huyện với tổng vốn dự kiến hơn 75 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề nghị, các bộ, ngành Trung ương bổ sung nguồn vốn từ năm 2022.

"Dự án này có tầm quan trọng lớn, tác động đến mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh. Tuyến đường này sẽ kết nối, nâng cao năng lực giao thông giữa các địa phương và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tuyến đường này nếu được làm cầu sẽ rút ngắn thời gian từ thị trấn Phú Thiện qua xã Chư A Thai chỉ còn gần 2 km. Đề nghị Trung ương và tỉnh xem xét, quan tâm bố trí vốn để làm cầu vì đây là nhu cầu cấp thiết của người dân”, ông Nguyễn Khanh cho biết thêm.

Hoài Nam - Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm