Đợt này, 36 chiếc cầu dân sinh sẽ được xây dựng ở các huyện miền núi Tây Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và những chiếc cầu được ưu tiên đầu tư cấp bách ở vùng ngập lũ các huyện đồng bằng gồm Phú Ninh, Duy Xuyên, Tiên Phước với tổng vốn đầu tư gần 72 tỷ đồng từ nguồn vốn của dự án LRAMP (Dự án Quản lý tài sản địa phương của Bộ Giao thông Vận tải).
Ảnh minh họa- TTXVN |
Tỉnh Quảng Nam bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai dự án xây dựng cầu, phấn đấu có 15 chiếc cầu được đưa vào sử dụng trước mùa mưa 2017. Số còn lại sẽ được xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2018.
Để đảm bảo việc đi lại cho người dân, 3 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng mới và đưa vào sử dụng nhiều cầu dân sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn của các huyện miền núi. Trong năm 2016, từ nguồn vốn của Đề án xây dựng cầu dân sinh, tỉnh Quảng Nam được Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn xây mới 59 cầu treo và cầu bê tông cốt thép ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xuyên bị tắc đường do mưa lũ, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cùng với các nguồn vốn trên, trong năm 2016, tỉnh Quảng Nam còn ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn khác như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình định canh định cư để làm mới 170 km đường bê tông, xây mới hơn 250 cầu cống các loại ở những khu vực xung yếu, vùng ngập lũ, sạt lở núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo thống kê, hiện tại tỉnh Quảng Nam còn khoảng 140 cầu dân sinh, chủ yếu ở các huyện miền núi bị xuống cấp, hư hỏng nặng cần sớm được đầu tư xây dựng mới. Các h uyện Nam Trà My và Bắc Trà My đã có đến 76 chiếc cầu dân sinh cần được ưu tiên xây dựng để đảm bảo đi lại cho đồng bào, nhất là trong mùa mưa lũ./.