Ảnh minh họa - TTXVN |
Từ giữa tháng 11 đến nay, trụ sở Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động Công an quận Hai Bà Trưng luôn trong cảnh hàng chục người dân xếp hàng chờ đăng ký hồ sơ, làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện. Anh Vũ Minh Hà (40 tuổi, trú tại phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng) làm thủ tục sang tên đổi chủ chiếc xe máy Honda SCR mà anh mua lại của một người khác, đăng ký lần đầu năm 2012. Tuy nhiên, anh vẫn chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ do ngần ngại lo rằng, thủ tục rườm rà, mất thời gian. "Sáng nay, tôi đến đây từ 7 giờ 30, chờ đến lượt giải quyết nhưng khi được cảnh sát hướng dẫn mới thấy hóa ra thủ tục hành chính rất đơn giản, chỉ cần đến các tổ đăng ký xin tờ khai, sau đó kê khai theo mẫu, về công an phường nơi mình cư trú xin xác nhận vào biểu mẫu. Công an phường sẽ xác nhận người đó có cư trú tại địa chỉ khai theo mẫu hay không và người đó đang sử dụng chiếc xe máy xin sang tên đổi chủ. Tất cả các công việc còn lại là của cơ quan công an. Thực tế mới thấy đơn giản, nhanh gọn cho người dân chúng tôi", anh Hà vui vẻ nói.
Theo Đại úy Trần Trung Hiếu, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động Công an quận Hai Bà Trưng, thời gian qua, đơn vị đã sang tên đổi chủ cho hơn 12.500 hồ sơ xe máy, chiếm tỷ lệ 80% phương tiện sang tên đổi chủ tại địa phương. Trong thời gian gần đây, bình quân mỗi ngày đơn vị hướng dẫn, tiếp thu và hoàn tất chuyển đổi cho khoảng 30 trường hợp, tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Trước đó, đợt cao điểm cuối năm 2013, tại quận Hai Bà Trưng có những ngày cao điểm xử lý hơn 100 bộ hồ sơ đủ các loại phương tiện.
Tại điểm đăng ký xe của Công an huyện Đông Anh, ông Nguyễn Hữu Tùng, một người dân đến làm thủ tục cho biết, ông được công an huyện Đông Anh tận tình hướng dẫn lấy tờ khai, viết tờ khai. "Tôi mua xe máy Wave Alpha biển kiểm soát 29 S8- 81... của một người ở quận Hoàng Mai đã hơn 9 năm nay. Người này cũng mua lại của một người khác, đến nay không tìm thấy chủ đầu. Tôi đọc báo thấy nói không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt nên đi làm thủ tục cho yên tâm. Khi cán bộ đăng ký giải thích, tôi thấy việc này chỉ có lợi cho mình chứ chẳng phiền hà gì”, ông Tùng nói.
Cũng đi đến làm thủ tục sang tên đổi chủ cho xe máy thì ông Nguyễn Hữu Tùng mới xóa bỏ những băn khoăn trước quyết định xử phạt xe không chính chủ của Cục Cảnh sát giao thông. Theo lời kể của ông Tùng, trước khi đến đây gia đình ông cứ "nóng ran" chuyện cảnh sát giao thông sẽ xử phạt xe không chính chủ, bởi gia đình có năm người nhưng chỉ có ba xe máy nên mọi người thường dùng chung xe của nhau. Nếu chiếu theo luật xử phạt xe không chính chủ, nhẽ nào gia đình ông phải mua đủ năm chiếc xe cho năm người!
"Giờ tôi đã thực sự hiểu đúng về việc xử phạt xe chính chủ. Tôi được các đồng chí cảnh sát giải thích cặn kẽ, thấu đáo rồi. Tôi cũng hiểu rằng, việc xử phạt xe không chính chủ chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thông qua công tác đăng ký xe. Cảnh sát không được phép chỉ dừng xe để kiểm tra, xử phạt lỗi này", ông Tùng cho hay.
Trao đổi với phóng viên, Đại úy Hoàng Anh Tuấn, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động Công an huyện Đông Anh cho biết, những ngày gần đây số người đến Công an huyện Đông Anh làm thủ tục sang tên đổi chủ cho xe gắn máy tăng đột biến. Như trước kia trung bình mỗi ngày có khoảng 4 đến 5 người đến làm thủ tục thì hiện nay tăng lên từ 75 đến 80 người. Để chủ động trong vấn đề này, Công an huyện Đông Anh đã xây dựng chương trình tuyên truyền trên các phương tiện, đơn vị cũng đã quán triệt tới toàn cán bộ chiến sỹ hướng dẫn giúp đỡ người dân đến làm thủ tục. Hiện đơn vị đang tham mưu đề xuất Ban chỉ huy công an huyện Đông Anh tổ chức xuống từng xã trên địa bàn tiếp nhận hồ sơ vào chiều Thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần để đảm bảo cho người dân đỡ phải đi lại; phấn đấu đến ngày 31/12/2016 sẽ giải quyết 100% việc sang tên đổi chủ cho xe gắn máy.
"Quá trình sang tên đổi chủ cho các phương tiện của người dân, Công an huyện Đông Anh cũng phát hiện và kịp thời xử lý trường hợp phương tiện là xe gian, xe tang vật của các vụ án trong khi đưa đến làm thủ tục sang tên, cấp biển số. "Chiếc xe máy này trùng số khung, số biển kiểm soát, số máy với xe vật chứng. Chúng tôi đã đề xuất với Ban chỉ huy để phối hợp với công an, chính quyền nơi sở tại của người dân để giữ xe và phối hợp điều tra giúp cho người dân, bảo đảm quyền lợi cho người dân", Đại úy Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, việc người dân Hà Nội đổ dồn đi làm thủ tục sang tên xe máy không chỉ diễn ra tại hai quận, huyện Đông Anh và Hai Bà Trưng. Trước thông báo của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an về việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục sang tên đổi chủ xe máy tới ngày cuối cùng năm 2016 và bắt đầu xử phạt xe không chính chủ từ ngày 1/1/2017, toàn bộ các cơ sở đăng ký tại công an các quận, huyện khác trên địa bàn những ngày này đều kín người dân đến đăng ký hồ sơ, làm thủ tục sang tên sở hữu phương tiện. Như tại Công an quận Hà Đông, riêng trong ngày 29/11, đơn vị này tiếp nhận gần 200 bộ hồ sơ xin sang tên đổi chủ cho xe máy, tăng đột biến so với trước đây. Tại quận Bắc Từ Liêm, từ một tuần gần đây, bình quân tiếp nhận khoảng gần 40 hồ sơ mỗi ngày. Trong khi trước đó, có nhiều ngày không có người dân nào đến làm thủ tục sang tên đổi chủ cho phương tiện xe máy. Thống kê mới đây của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) Công an thành phố Hà Nội cũng cho thấy, từ ngày 16/11/2015 - 16/11/2016, toàn thành phố sang tên đổi chủ cho 46.272 phương tiện; trong đó, 57% bộ hồ sơ ô tô, 42% bộ hồ sơ xe máy, còn lại là các phương tiện khác.