Hơn 8 giờ sáng, bản làng vùng biên tại các xã Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) vẫn chìm trong hơi lạnh, sương mù, ruộng đồng thiếu vắng những hoạt động sản xuất. Để tránh cái lạnh, người chăn nuôi gia súc đã đốt lửa sưởi ấm cho vật nuôi, tăng nhiệt độ chuồng trại; cho gia súc uống nước muối, ăn thêm cám, gia cố lại chuồng trại nhằm chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc của gia đình.
Người dân đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò trong những ngày giá rét. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Bà Lò Thị Hặc, đội 6, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, rét đậm, rét hại xảy ra, gia đình đã dùng bạt che kín lại chuồng trại chăn nuôi; tích trữ đủ rơm khô cho đàn bò 3 con. Buổi sáng và buổi tối gia đình phải đốt lửa để sưởi ấm cho gia súc, giữ nhiệt trong chuồng nuôi. Ngoài ra, gia đình còn cho gia súc uống nước muối pha loãng, ăn thêm cám để tăng cường sức để kháng cho gia súc.
Các xã Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Pa Thơm là địa bàn gần núi, giáp biên giới Lào nên nhiệt độ thời tiết thấp hơn, chênh lệch rất lớn so với các xã khác trong vùng lòng chảo. Trong những ngày diễn ra rét đậm, rét hại, người dân đã không chăn thả trâu bò lên rừng, ra đồng mà nhốt trong chuồng, buộc trâu bò ở sân nhà, trong vườn tại những chỗ khô ráo, kín gió, có ánh nắng để sưởi ấm cho gia súc. Đồng thời, chăm sóc, cho gia súc ăn uống đầy đủ, đúng thời gian.
Ông Lò Văn Hom, bản Pha Đin, xã Thanh Chăn cho biết, gia đình có nuôi hai con trâu trưởng thành, mọi ngày thường thả trâu, bò ra đồng ruộng, ra bãi cho trâu, bò ăn cỏ để bớt thời gian chăm sóc, hái cỏ, hái lá. Nhưng hiện nay thời tiết lạnh thì bắt buộc phải nhốt trâu ở nhà, cho ăn rơm và các thức ăn khác để đảm bảo sức khỏe cho trâu. Khi nào nắng ấm và trời không có mưa thì mới đi chăn. Việc chăn trâu cũng phải có người đi cùng để kịp lùa trâu tránh trú khi trời mưa và dắt trâu về trước khi chiều lạnh. Chuồng trại chăn nuôi thì gia đình quây bạt kín gió và giữ cho nền chuồng luôn sạch sẽ, khô ráo.
Chủ động ứng phó với thời tiết diễn biến cực đoan, chính quyền các xã vùng giáp biên của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cũng đã có những biện pháp sát với tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết, ngay từ đầu tháng 12, tỉnh Điện Biên đã xảy ra rét đậm, rét hại, thời tiết diễn biến cực đoan gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn xã. Xã đã làm văn bản thông báo đến các thôn bản, khuyến cáo người dân về việc chăm sóc trâu bò trong thời tiết này.
Dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên cho thấy, ngày và đêm 13/12, không khí lạnh mạnh tiếp tục ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Điện Biên, tuy không mưa nhưng trời rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến dao động từ 4 đến 6 độ C, có nơi dưới 4 độ C. Vùng núi cao nền nhiệt giảm sâu, đề phòng có xảy ra băng giá, sương muối. Đợt rét đậm, rét hại này khả năng kéo dài đến ngày 15/12.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, đầu năm 2019 tổng đàn gia súc của địa phương đạt gần 5 triệu con, chủ yếu là trâu, bò, dê, và lợn. Chủ động ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại đang xảy ra, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến không khí lạnh để thông tin kịp thời đến người dân, đặc biệt là người chăn nuôi ở vùng cao nhằm chủ động có biện pháp phòng tránh trong sản xuất, chăn nuôi.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi gia cố, che chắn, vệ sinh và giữ ấm chuồng trại chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không chăn thả gia súc và dự trữ thức ăn tinh, thô đảm bảo phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.
Hải An - Tuấn Anh