Ngư dân vẫn thua lỗ dù đang chính vụ cá Nam

Ngư dân vẫn thua lỗ dù đang chính vụ cá Nam

Mặc dù đang chính vụ cá Nam, nhưng nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau khi đánh bắt ngoài khơi trở về vẫn rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản cũng rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu chế biến trầm trọng.

Ngư dân vẫn thua lỗ dù đang chính vụ cá Nam ảnh 1Ngư dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ chuẩn ngư nhu yếu phẩm cho tàu đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Theo nhiều ngư dân, do hiện nay số lượng tàu đánh bắt ngoài khơi nhiều, ngư trường đang ngày càng cạn kiệt, cộng với giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, trong khi giá thành sản phẩm hải sản không tăng ... đã gây nhiều khó khăn trong việc “bám biển” của ngư dân.

Tàu cá của gia đình bà Nguyễn Thị Hòa Bình, ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền ra khơi đánh bắt sau gần 1 tháng trở về bờ, đang bốc dỡ cá tại cảng cá Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Bà Hòa chia sẻ, chuyến đi này gia đình bà thu được khoảng 200 triệu đồng, trong khi đó chi phí chuyến biển này đã lên hơn 400 triệu đồng.

Bà Bình cũng chia sẻ thêm: từ đầu năm đến nay tàu khai thác hải sản của gia đình bà mới đi được 2 chuyến. Trong khi đó, chuyến đầu tiên, tàu cá của bà Bình đi 70 ngày và thua lỗ gần 600 triệu đồng. Sau hai tháng nằm bờ, giữa tháng 7 tàu cá của bà lại ra khơi với hy vọng bù đắp được các chi phí và có lợi nhuận. Thế nhưng, theo bà Bình, với giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay, trong khi giá hải sản không tăng, ngư trường cạn kiệt… thì hầu hết các chuyến biển ngư dân đều lỗ nặng.

Theo bà con ngư dân, trung bình mỗi chuyến ra khơi đánh bắt từ 15-30 ngày thì cần khoảng 20.000-30.000 lít dầu. Trước đây, khi giá dầu còn thấp, khoảng 15.500 đồng/lít, sau khi trừ các chi phí, chủ thuyền còn lãi hơn 100 triệu đồng/chuyến. Hiện giá dầu đang ở mức 19.500 đồng/lít và với giá dầu như vậy, mỗi lần ra khơi, riêng chi phí nhiên liệu đã tăng thêm từ 80-100 triệu đồng, nhưng sản lượng đánh bắt thấp, giá hải sản không tăng nên nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ không dám ra khơi vì thua lỗ.

Anh Trương Văn Rô, ngư dân thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ chia sẻ: nếu giá dầu giảm thì ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản mới có lãi. Còn giá dầu cao như hiện nay cộng với ngư trường ngày càng cạn kiệt thì ngư dân đi chuyến nào cầm chắc thua lỗ chuyến đó.

Ngư dân vẫn thua lỗ dù đang chính vụ cá Nam ảnh 2Do ngư trường cạn kiệt, chi phí đội lên quá cao, khiến việc ra khơi của ngư dân liên tục thua lỗ. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Chính vì thua lỗ nặng, thu không đủ chi nên hiện nay nhiều ngư dân phải tính toán lại, nhiều tàu cá chỉ dám ra khơi khoảng 3 chuyến/năm, thay vì 6 chuyến/năm như trước.

“Việc tìm bạn đi biển đã khó, trước khi đi lại phải ứng tiền trước cho họ. Nhiều chủ tàu phải đi vay mượn để ứng trước. Đôi khi không ưng họ trốn mất, chủ tàu cũng không biết đâu mà tìm đành phải mất tiền. Cùng với đó, tàu không hoạt động nhiều ngày thì bị hư hỏng, nên chúng tôi đành phải tính toán lại giảm bớt số chuyến đánh bắt lại”, bà Nguyễn Thị Hòa Bình chia sẻ thêm.

Việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến hải sản của tỉnh cũng rơi vào cảnh thiếu trầm trọng nguyên liệu đầu vào sản xuất.

Đại diện Xí nghiệp chế biến thủy sản 3 thuộc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) đóng chân tại cụm công nghiệp chế biến hải sản Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết, hiện xí nghiệp đang thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng. Nguồn nguyên liệu thủy hải sản trong nước chỉ được từ 10-15% nhu cầu của công ty. Công ty đã tăng giá thu mua nguyên liệu lên từ 10-15% trong khi giá xuất khẩu giảm khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Công ty TNHH Thủy sản Ngọc Thủy, tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền, chuyên xuất khẩu hải sản đi thị trường Trung Quốc. Đại diện công ty cho biết, công ty đã phải từ chối nhiều đơn hàng vì không có nguyên liệu. Doanh thu giảm từ 60-70% so với năm 2022. Không có hàng để làm nên mấy tháng gần đây, phía doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ việc. Khi nào thu mua được nguyên liệu, doanh nghiệp lại thuê lao động làm thời vụ, trả công theo ngày hoặc theo sản phẩm.

Để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu, chuẩn bị đơn hàng cho các tháng cuối năm, một số doanh nghiệp chế biến hải sản của tỉnh đã tính đến chuyện mở rộng địa bàn thu mua ra miền Trung, thậm chí miền Bắc và xuống miền Tây. Đồng thời, đẩy mạnh việc ký hợp đồng mua bán lâu dài với giá tốt với ngư dân.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 196.600 tấn. Nhiều ngư dân mong muốn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ thì các ngành chức năng, tỉnh cũng cần đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ổn định lao động nghề biển cũng như có giải pháp bình ổn giá xăng dầu… có vậy mới ngư dân mới yên tâm vươn khơi, bám biển.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm