Không giấu được niềm vui, anh Huỳnh Ngọc Huệ, chủ tàu QNa 91239TS phấn khởi, nhờ chủ động trong lựa chọn mẫu tàu, được tư vấn giám sát chặt chẽ từ khâu lựa chọn vật tư đến quá trình đóng mới và hạ thủy nên tàu hoạt động khá tốt. So với tàu đóng bằng vỏ gỗ, tàu vỏ sắt an toàn, hiệu quả hơn. Mọi ngư dân đều mong có những con tàu như vậy để việc khai thác hải sản được thuận lợi.
![]() |
Ảnh minh họa |
Anh Phan Bá Tầm, thuyền viên tàu cá QNa 91239TS cho hay, tàu vỏ sắt và phương tiện thiết bị trang bị trên tàu đều hiện đại. Vì vậy, tàu hoạt động có hiệu quả cao hơn so với tàu đóng bằng vỏ gỗ truyền thống. Được ra khơi với những con tàu hiện đại như vậy là mơ ước của nhiều ngư dân.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, thực hiện Nghị định 67, tỉnh Quảng Nam được giao chỉ tiêu đóng mới 92 tàu các loại; trong đó có 60 chiếc tàu vỏ thép, 2 chiếc đóng bằng vật liệu Composit, số còn lại đóng bằng vỏ gỗ. Toàn bộ 92 chiếc tàu này tập trung phần lớn ở hai địa phương có nghề biển phát triển mạnh là Núi Thành và Thăng Bình. Riêng huyện Núi Thành được phân bổ chỉ tiêu đóng mới 50 tàu cá có công suất lớn với trang thiết bị hiện đại. Sau hơn một năm triển khai, địa phương này đã có 49 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu có công suất lớn. Hiện 22 chủ tàu đã triển khai đóng mới, trong đó có 14 tàu vỏ gỗ và 8 tàu vỏ thép. Số tàu còn lại được ngư dân ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng, tổng số vốn gần 300 tỷ đồng để đóng mới tàu có công suất lớn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, để khai thác có hiệu quả số tàu được đóng mới, huyện Núi Thành thành lập thêm nghiệp đoàn tàu cá xa bờ để cùng với các tổ hợp tác, tổ ngư dân sản xuất trên biển nâng khả năng vươn khơi bám biển. Theo đó, các nghiệp đoàn nghề cá, tổ hợp tác, tổ ngư dân sản xuất trên biển hoạt động theo hình thức tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi. Bên cạnh đó, tương trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thông tin về giá cả thị trường, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, vùng đặc quyền kinh tế.
Thuận lợi là vậy nhưng trong quá trình triển khai, ngư dân cũng còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, thời gian qua, hàng chục hộ ngư dân huyện Thăng Bình, một trong những địa phương của tỉnh Quảng Nam được phân bổ chỉ tiêu đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67 nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn.
Theo ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, để vay vốn với lãi suất ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 67, ngư dân đã lập hồ sơ và được thẩm định. Đối với những hồ sơ đủ điều kiện, ngư dân cùng đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Hàng chục hồ sơ của ngư dân huyện Thăng Bình đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt nhưng đến nay mới chỉ có Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam cho vay. Các ngân hàng khác chưa cho vay vì cho rằng ngư dân chưa đủ kinh nghiệm đi biển. Phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả. Lý do nữa được phía ngân hàng đưa ra là chưa có kế hoạch vốn nên chưa cho vay. Trước thực tế này, địa phương mong cấp có thẩm quyền chỉ đạo để ngư dân sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay./.