Nghiên cứu trên chuột cho thấy không cần mũi vaccine tăng cường đặc hiệu chống biến thể Omicron

Nghiên cứu trên chuột cho thấy không cần mũi vaccine tăng cường đặc hiệu chống biến thể Omicron

Các nhà khoa học Mỹ ngày 4/2 công bố một nghiên cứu khẳng định không cần một mũi vaccine tăng cường đặc hiệu cho biến thể Omicron.

Nghiên cứu trên chuột cho thấy không cần mũi vaccine tăng cường đặc hiệu chống biến thể Omicron ảnh 1Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 của Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu được thực hiện trên các con chuột được tiêm 2 mũi vaccine của hãng Moderna, sau 9 tháng được tiêm mũi tăng cường bằng vaccine này hoặc bằng một loại đặc hiệu để chống biến thể Omicron. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt lớn về khả năng bảo vệ.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nhiều khía cạnh khác nhau trong phản ứng miễn dịch của chuột và cho chúng phơi nhiễm với virus. Họ phát hiện cả hai mũi tiêm tăng cường nói trên đều "giúp tăng đáng kể và tương đương phản ứng sinh kháng thể" chống lại mọi biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron.

Nghiên cứu đã được đăng trên trang bioRxiv và đang chờ các chuyên gia thẩm định.

Các hãng dược phẩm Moderna và BioNTech/Pfizer đều đã bắt đầu thử nghiệm mũi vaccine tăng cường đặc biệt với Omicron trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Bình luận về kết quả nghiên cứu trên, nhà nghiên cứu vaccine tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID), ông Daniel Douek cho biết: "Đây là một tin rất, rất tốt lành, đồng nghĩa với việc chúng ta không cần bào chế lại vaccine để tạo một vaccine đặc hiệu chống Omicron". Theo ông Douek, lý do là cả vaccine gốc và vaccine đặc hiệu chống Omicron đều "có phản ứng chéo" tức là có thể nhận ra hàng loạt biến thể khác nhau của virus.

Bác sĩ John Moore, giáo sư về vi sinh vật và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell, nhận định kết quả trên cũng tương tự như trong các nghiên cứu sử dụng một mũi tăng cường bằng vaccine của Moderna để tấn công biến thể Beta. Tuy nhiên, ông Moore vẫn thận trọng rằng cần xem xét các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, bởi "dù các dữ liệu thử nghiệm trên chuột có khả năng dự đoán cao nhưng vẫn cần dữ liệu trên người".

Theo ông Moore, một lợi ích quan trọng của nghiên cứu trên chuột là các nhà nghiên cứu có thể tiêm mũi tăng cường cho chuột sau đó cho chúng phơi nhiễm với virus và nghiên cứu phản ứng miễn dịch, điều không thể tiến hành trong các cuộc thử nghiệm trên người.

Bích Liên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm