Nghiên cứu mới giúp phát hiện sớm chứng sa sút trí tuệ

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa xác định được những protein huyết tương đóng vai trò quan trọng trong việc dự đoán sớm nguy cơ sa sút trí tuệ - khoảng 15 năm trước khi phát hiện bệnh, với độ chính xác hơn 90%. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature Aging.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã lấy mẫu nghiên cứu 52.645 người trưởng thành không mắc chứng sa sút trí tuệ trong thời gian trung bình hơn 14 năm.

Bằng cách phân tích dữ liệu từ 1.463 protein huyết tương, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những "dấu ấn sinh học" như protein sợi thần kinh đệm (GFAP), protein NEFL, GDF15 và LTBP2 là các tác nhân liên quan hội chứng sa sút trí tuệ vì mọi nguyên nhân (ACD), bệnh Alzheimer (AD) và chứng sa sút trí tuệ do mạch máu (hay sa sút trí tuệ não mạch - những triệu chứng này xảy ra khi não bị tổn thương do không được cung cấp máu nuôi).

Theo nghiên cứu, những người có hàm lượng GFAP cao hơn có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao gấp 2,32 lần so với người có GFAP ở mức độ thông thường. Đáng chú ý, GFAP và LTBP2 có độ đặc hiệu cao trong việc dự đoán khả năng mắc chứng sa sút trí tuệ. Trong khi đó, protein GFAP và NEFL thường bắt đầu thay đổi 15 năm trước khi một người được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu mô tả GFAP như một dấu ấn sinh học tối ưu để dự đoán chứng sa sút trí tuệ. Theo Cheng Wei, đồng tác giả của nghiên cứu, mô hình nghiên cứu trước đây của nhóm có thể dự đoán nguy cơ sa sút trí tuệ 10 năm trước khi bệnh được chẩn đoán, với độ chính xác 85%.

Nguyễn Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm