Nghiên cứu mới giúp điều trị rối loạn nhịp tim

Nghiên cứu mới giúp điều trị rối loạn nhịp tim

Các nhà khoa học Israel đã tạo ra một mô hình tim “tí hon” có chức năng hoạt động giống tim người. Kết quả nghiên cứu này mở ra khả năng giúp các nhà khoa học tìm ra những phương thức điều trị hiện đại đối với chứng rối loạn nhịp tim.

Trường đại học Hebrew ở thành phố Jerusalem đã công bố thông tin này trên trang Facebook của trường ngày 8/8.

Mô hình tim “tí hon” này có kích thước chỉ bằng 1/3 hạt gạo, được phát triển trên một vi mạch và tích hợp cảm biến. Các cảm biến có nhiệm vụ thu thập dữ liệu thời gian thực về tình trạng hoạt động như cung cấp oxy và pha co bóp của tim.

Được phát triển từ tế bào gốc, mô hình này cũng phân chia thành 4 ngăn: 2 tâm thất, 2 tâm nhĩ và van tim. Có chức năng hoạt động giống như tim thông thường của con người, mô hình tim này cũng có thể tạo ra các nhịp đập khác nhau. So với các mô hình được phát triển trước đây, tim “tí hon” trên vi mạch này mô phỏng chính xác nhất cấu trúc và hoạt động của tim người thông thường.

Nhờ tiến hành các thử nghiệm trên mô hình này, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cơ chế sinh lý mới chi phối hoạt động của tim người. Cơ chế này không tồn tại ở những động vật có kích thước nhỏ để làm thí nghiệm như chuột.

Cơ chế nói trên cho thấy các xung động được hình thành và dẫn truyền khi cơ tim hoạt động liên quan đến tốc độ hoạt động của các tế bào tim. Theo đó, nếu các xung động mang tính chất điện học này bị gián đoạn thì sẽ gây ra rối loạn nhịp tim.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng một số loại thuốc hóa trị, chẳng hạn như thuốc mitoxantrone được sử dụng trong điều trị ung thư, ảnh hưởng đến nhịp tim thông qua cơ chế nói trên.

Nguyễn Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm