Nghề đan lục bình đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập. |
Tay thoăn thoắt luồn từng cọng lục bình vào nhau để đan chiếc giỏ lục bình, bà Phạm Thị Tiếp, ở ấp 10, xã Vị Thắng, cho biết: “Từ khi đan mặt hàng thủ công mỹ nghệ này, cuộc sống gia đình được ổn định. Ban đầu làm chưa quen tay nên thao tác còn chậm, sau thời gian làm riết rồi quen tay. Bình quân mỗi ngày, tôi cũng đan được 3, 4 cái giỏ, tính ra mỗi tháng tôi cũng kiếm được trên 1 triệu đồng từ nghề này”. Gia đình bà Tiếp chỉ có 3 công ruộng, bà thì làm nội trợ, chồng bà thì lo ruộng nương nên thu nhập cũng không được bao nhiêu. Từ khi có nghề đan giỏ lục bình mà gia đình bà có thêm khoản tiền kha khá, để trang trải chi phí sinh hoạt.
Nghề đan giỏ lục bình do bà Lê Thị Ngọc Thu, ở ấp 10, xã Vị Thắng, khởi xướng. Lúc đầu bà Thu học nghề từ người chị ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp. Sau đó, bà dạy nghề lại cho các chị em ở địa phương. Vì tay ngang nên các cô, các chị người nào sáng dạ thì học dăm ba ngày là bắt tay tự thực hiện các thao tác đan một cách thuần thục. Còn người nào học chậm hơn, thì mất khoảng 1 tuần cũng rành nghề. Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Thu cho biết: “Nghề đan lục bình đã “bén duyên” với chúng tôi từ năm 2003, lúc đầu chỉ có vài chị em tham gia. Đến nay đã phát triển thành hợp tác xã, thu hút hàng trăm lao động tham gia”. Hiện nay, bà Thu là chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh Tú và là người đứng ra nhận khuôn, sau đó phân phối ra cho bà con và gom sản phẩm giao cho đầu mối ở thị trấn Kinh Cùng.
Về nguyên liệu để đan giỏ có thể do người dân chủ động kiếm từ các sông, rạch hoặc mua nguyên liệu từ Hợp tác xã Thanh Tú. “Tùy theo thời điểm giá lục bình khô và tùy từng sản phẩm lớn nhỏ nên trung bình giá cho mỗi sản phẩm có thể từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng. Người nào đan giỏi có thể thu nhập được từ 2-2,5 triệu đồng/tháng. Thấy bà con đến lấy khuôn, dây về đan ngày một nhiều, các sản phẩm đan ngày càng khéo nên chúng tôi cũng phấn khởi, vì có thể giúp bà con có thêm một công việc phù hợp để cải thiện cuộc sống” - bà Thu chia sẻ.
Nhìn chung, nghề đan giỏ lục bình không quá vất vả nên người già, trẻ nhỏ có thể làm được. Theo bà Bùi Thị Lanh, ở ấp 10, xã Vị Thắng, năm nay đã 70 tuổi là người có kinh nghiệm trên 10 năm, thì nghề đan lục bình rất dễ làm, đan theo khuôn mẫu có sẵn, làm xong giao thành phẩm cho Hợp tác xã Thanh Tú. Đặc biệt, nghề này hưởng lương theo sản phẩm, nếu ai khéo tay làm nhiều thì được hưởng nhiều, do đó, mọi người ai nấy đều cố gắng, để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bà Lanh bộc bạch: “Năm nay tôi đã 70 tuổi rồi, nhưng mỗi ngày cũng có thể đan được 2 sản phẩm, trừ tiền dây cũng còn được 20.000-30.000 đồng. Tôi rất mừng vì công việc rất phù hợp với tuổi tác, lại cho thu nhập kha khá”.
Đầu ra của sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình rất ổn định, được thị trường ưa chuộng tiêu thụ quanh năm, không ngại tồn đọng hàng. Mỗi đợt hàng chuyển đi có từ vài trăm đến vài ngàn bộ sản phẩm, trong đó chủ yếu là giỏ. Hiện nay, Hợp tác xã Thanh Tú đang chuẩn bị cho đợt xuất hàng vào đầu tháng 11 sắp tới, khoảng trên 3.000 bộ giỏ, mỗi bộ 3 cái. Do đó, hiện nay, mọi người ai nấy đều khẩn trương đan giỏ cho đợt hàng lần này.
Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, cho biết: “Nghề đan lục bình đã giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp người dân có thêm thu nhập. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để nghề đan lục bình tiếp tục phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con”.
Báo Hậu Giang