Đan lợp cua tại một hộ dân ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Anh Nguyễn Hoài Thanh, nối nghiệp gia đình có truyền thống gần 17 năm làm nghề đan lợp cua ở xã Bình Thành chia sẻ, do mất nhiều công đoạn, nên mỗi ngày một người chỉ làm được khoảng 3 – 4 cái lợp. Hiện tại, mỗi ngày gia đình anh phải thuê thêm 5 người thợ chính để cung ứng đơn đặt hàng dao động từ 200 - 300 cái/ngày. Với giá lợp cua từ 28.000 - 30.000 đồng/cái, sau trừ đi chi phí, mỗi cái lợp người sản xuất có lãi từ 10.000 - 15.000 đồng.
Anh Thanh cho biết thêm, phần lớn các công đoạn chuốt rẽ, gióng, đốt thui rẽ… đều phải mướn các tay thợ gia công, các thợ làm chính thực hiện các công đoạn khó như: bện hom, dệt vỉ, lắp ráp các bộ phận. Theo đó, mỗi người thợ phụ gia công có thu nhập từ 70.000 - 80.000 đồng/ngày.
Theo ông Trương Thanh Hùng, tổ trưởng tổ đan lợp cua ấp Bình Lý, xã Bình Thành thì làng nghề sản xuất quanh năm nhưng tập trung cao điểm nhất là vào đầu mùa lũ. Riêng năm nay, nhu cầu thị trường tăng khoảng 50% so với năm 2016. Mặc dù đã sản xuất dự trù từ 3 - 4 tháng trước đó, nhưng hiện tại một số hộ không có hàng để bán.
Ông Trần Phước Lộc, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự cho biết, làng nghề truyền thống đan lợp cua của xã Bình Thành hiện có gần 100 hộ theo nghề, với hơn 300 lao động sản xuất quanh năm. Sản phẩm làm ra bán được tiêu thụ chủ yếu ở các thị trường như Campuchia, Long An và các huyện thị trong tỉnh.
Theo dự báo, năm nay có khả năng lũ lớn và lũ sớm xuất hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long nên nhịp độ làm việc tại làng nghề rất nhộn nhịp. Sản xuất ổn định không những góp phần duy trì, phát triển một làng nghề truyền thống của địa phương, mà còn góp phần tạo được công ăn, việc làm cho lao động nhàn rỗi, nâng cao mức thu nhập, cải thiện mức cho các hộ gia đình thuộc vùng biên giới của thị xã Hồng Ngự./.
Chương Đài