Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm mới 2021 mà tỉnh Nghệ An đã xác định là bảo vệ môi trường, lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục; xử lý ô nhiễm, khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tỉnh cũng coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong bảo vệ môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, năm 2021, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản về môi trường, quan trắc, giám sát môi trường; gắn công tác thanh tra, kiểm tra với xử lý các vi phạm, cố gắng để đạt được kết quả là khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại 85% trong tổng số các cơ sở sản xuất hiện đang nằm trong "danh sách đen".
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - những nơi dễ xảy ra ô nhiễm môi trường, tỉnh Nghệ An tiếp tục huy động mọi nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các giải pháp, mô hình phát triển gắn với đảm bảo về môi trường. Mức chi cho sự nghiệp môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang xuất hiện nguy cơ ô nhiễm môi trường. Cụ thể, trong tổng số 165 làng nghề trên địa bàn tỉnh hầu hết các cơ sở có quy mô nhỏ, manh mún, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, công nghệ lạc hậu nên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn quy định, chất thải rắn xử lý không triệt để.
Mặt khác, tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi; nhiều dự án thu hút đầu tư cơ sở xử lý rác thải chỉ mới dừng lại ở chủ trương đầu tư mà chưa được triển khai xây dựng. Hơn nữa, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chậm trễ trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhân dân và áp lực cho công tác quản lý nhà nước, phổ biến nhất là tại một số trang trại chăn nuôi, nhà máy xi măng, cơ sở chế biến thủy sản…
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nguồn lực tài chính cho sự nghiệp bảo vệ môi trường còn hạn chế; nguồn tài chính để giải quyết các điểm bức xúc về ô nhiễm môi trường còn thiếu và chưa kịp thời; cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp huyện đa số còn kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, do vậy việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo xử lý các vấn đề môi trường tại địa phương còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa hoàn thiện, lại thay đổi liên tục và còn nhiều bất cập, chồng chéo. Tại nhiều cơ quan quản lý trách nhiệm về lĩnh vực rác thải không được quy định cụ thể, công cụ quản lý yếu, nhiều quy định không phù hợp thực tiễn, khó thực hiện....
Nguyễn Văn Nhật