Nghệ An đặt mục tiêu đưa diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 50.000 ha

Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chăm sóc bảo vệ rừng Pơ mu, Sa mu quý hiếm rộng gần 100 ha. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chăm sóc bảo vệ rừng Pơ mu, Sa mu quý hiếm rộng gần 100 ha. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2025 đưa diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 50.000 ha.

Nghệ An đặt mục tiêu đưa diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 50.000 ha ảnh 1Người dân xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chăm sóc bảo vệ rừng Pơ mu, Sa mu quý hiếm rộng gần 100 ha. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Trước đó, vào tháng 7/2022, lần đầu tiên tại Nghệ An đã có hơn 839 ha rừng nguyên liệu trên địa bàn huyện Quế Phong được cấp chứng chỉ, qua đó giúp cho việc kiểm soát tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường tốt hơn; giảm thiểu những lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên rừng không đúng cách; làm tăng giá trị của những mặt hàng và sản phẩm chế biến từ rừng được cấp chứng chỉ.

Để đạt được mục tiêu quản lý rừng bền vững tỉnh Nghệ An đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó có việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn theo hướng xã hội hóa để trồng, khai thác rừng trồng đến chu kỳ khai thác và chế biến các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Cùng với đó, khuyến khích các mô hình liên doanh, liên kết giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp cùng góp vốn để phát triển rừng, hình thành vùng nguyên liệu cho chế biến gỗ và các sản phẩm từ rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến gỗ và các sản phẩm từ rừng. Đơn cử, như Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn của Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm, Nhà máy MDF của Công ty Tân Việt Trung, Nhà máy gỗ MDF Nghệ An của Công ty Thanh Thành Đạt. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có các cơ sở chế biến vừa và nhỏ, các làng nghề thủ công mỹ nghệ phân bố trên khắp 21 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Hàng năm, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân đạt từ trên 900.000 m3 - đến 1.300.000 m3, phục vụ sản xuất các mặt hàng như bột giấy, ván MDF, ván ghép thanh, đồ gia dụng...

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc phát triển rừng bền vững đang gặp nhiều khó khăn. Nổi lên, đó là một số diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng vẫn đang nằm ngoài đất quy hoạch cho lâm nghiệp gây trở ngại cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; một số dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng chưa đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp.

Trong khi đó, việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trước đây mới chỉ dựa vào các yếu tố về địa hình, đất đai, khí hậu... mà chưa chú ý tới các yếu tố về kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh, tập quán sản xuất và điều kiện thực tế của địa phương nên đã nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình thực hiện. Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lâm nghiệp chưa rõ nét, quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ mạnh để thu hút các hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi, chưa xác định được thị trường tiêu thụ sản phẩm, nên đầu ra không ổn định; các doanh nghiệp chế biến lâm sản không chủ động được nguồn nguyên liệu, chất lượng nguyên liệu chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến.

Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm