Đợt dịch COVID-19 thứ 3 vào đúng cao điểm khách du lịch quốc tế, cũng là mùa du lịch lễ hội, tâm linh sau Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam, tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành du lịch. Nhờ chủ động kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế, ngành du lịch Nghệ An đã kịp thời chuyển hướng, cơ cấu lại thị trường, lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn, nhanh chóng triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết với chủ đề "Chuyển hướng để phục hồi du lịch".
Bài 1: Lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn
Trong khi Việt Nam đang làm tốt công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 thì tại nhiều nước trên thế giới, dịch vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, lữ hành quốc tế trong giai đoạn này tiếp tục “đóng băng”, buộc các doanh nghiệp lữ hành chuyển hướng kinh doanh nội địa.
Doanh nghiệp lữ hành “chuyển mình”
Ngay khi tình hình dịch bệnh tạm ổn, anh Nguyễn Công Thắng, thành phố Vinh, đã tìm đến Công ty du lịch để tìm hiểu các tour tuyến du lịch. "Qua tìm hiểu tôi được biết các điểm đến cũng như các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn đang có giá cả hợp lý và chính sách kích cầu hấp dẫn. Trong khi du lịch quốc tế đang đóng cửa, gia đình tôi hướng tới du lịch trong nước như Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang... là những điểm đến khá an toàn nhưng không kém phần hấp dẫn", anh Thắng chia sẻ.
Sự lạc quan, tin tưởng của khách hàng chính là động lực cho các đơn vị lữ hành chuyển mình, thay đổi để theo kịp những xu hướng mới. Với quyết tâm đồng hành với du khách trong các hành trình, vì vậy các đơn vị lữ hành ở Nghệ An đã cơ cấu lại nhân sự, thu gọn lại hoạt động kinh doanh, mô hình, tổ chức hoạt động thay đổi theo hướng gọn nhẹ hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có sự thích nghi nhất định trong việc tiếp cận với khách hàng, sản phẩm du lịch mới.
Trước đây, lữ hành quốc tế chiếm 50% doanh thu thị trường của Công ty cổ phần lữ hành quốc tế Thái Sơn, nay Công ty đã chuyển sang khai thác thị trường nội địa, khai thác các tour ngắn ngày nội tỉnh và các tỉnh, tour đường bay 4 tỉnh Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo và miền Tây. Ngoài duy trì lượng khách truyền thống, Công ty còn khai thác thêm khách du lịch mới, liên kết với các Công ty du lịch dịch vụ của các điểm đến để đưa ra các gói kích cầu riêng theo hai hướng chiều đi và chiều về, với gói sản phẩm du lịch phù hợp, xây dựng các tour, tuyến hấp dẫn với khách tham quan về Nghệ An trong thời gian ngắn.
“Đối với các hãng lữ hành, chúng tôi mong muốn các cơ quan, ban, ngành luôn cập nhật tình hình và hỗ trợ những công cụ giải pháp tối ưu cho khách hàng nhanh nhất để phòng, chống dịch cũng như tình huống dịch bệnh xảy ra đột xuất. Về phía các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, cần phối hợp với các đơn vị lữ hành để cùng chia sẻ rủi ro khi có dịch bệnh xảy ra, từ đó tìm ra phương án hoạt động đảm bảo an toàn, tạo điều kiện thuận lợi để du khách yên tâm khi đặt tour du lịch”, anh Võ Hồng Sáng, Giám đốc Công ty Cổ phần lữ hành Quốc tế Thái Sơn đề nghị.
Nghệ An hiện được đánh giá là điểm đến an toàn, thế nên Công ty cổ phần Đông Dương Travel tích cực quảng bá, phát triển các điểm đến du lịch nội tỉnh. Trong đó, các điểm đến với núi rừng được khách hàng lựa chọn nhiều và phổ biến như khu Sinh thái đập Phà Lài (huyện Con Cuông), đảo Chè (huyện Thanh Chương), các đồi hoa, trang trại ở Nghĩa Đàn, Khu du lịch sinh thái Diễn Lâm (huyện Diễn Châu)... Cùng với các điểm trên, Công ty cũng tư vấn cho khách hàng đến với các điểm du lịch nhỏ hơn, ngắn ngày. Các điểm này thường được các gia đình, các nhóm bạn bè lựa chọn bởi vừa đảm bảo yếu tố du lịch vừa gắn kết được các thành viên trong gia đình, bạn bè với nhau như Eo Gió ở Nam Đàn, trang trại ở Nghĩa Đàn, du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu, thác Sao Va, thác 7 tầng ở Quế Phong...
“Trước khi dịch xảy ra, hầu hết các điểm du lịch nội tỉnh chưa được khách hàng lựa chọn, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì du lịch nội tỉnh lại là lựa chọn hàng đầu đối với du khách. Để khuyến khích du lịch nội tỉnh phát triển, Công ty phối hợp với Sở Du lịch để có chủ trương các địa điểm được phép tham quan, du lịch. Cùng với đó phối hợp với kênh truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh các điểm đến”, anh Nguyễn Huỳnh Sương, Giám đốc Công ty cổ phần Đông Dương Travel cho biết.
Thực tế, nắm bắt xu hướng du lịch mới, các hãng lữ hành luôn lắng nghe nhu cầu của khách để xây dựng các tour du lịch đa dạng hơn, hấp dẫn hơn, thu hút và phục vụ du khách với chất lượng cao hơn. Nếu trước đây chưa có dịch bệnh, các đơn vị lữ hành sẽ đưa ra nhiều điểm đến cho du khách và tư vấn đi dài ngày, nhưng nay sẽ tư vấn đi ngắn ngày và di chuyển ít, đi thành nhóm nhỏ (6-15 người), điều này sẽ tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ phù hợp với từng đối tượng du khách. Với vùng đất được chọn, họ sẽ có hoạt động đa dạng như tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của vùng miền. Các đơn vị lữ hành giới thiệu những thắng cảnh, di sản, giá trị cốt lõi văn hóa vùng miền phù hợp với thời điểm, thời tiết, điều kiện hiện tại theo "mùa nào thức nấy".
Kích cầu du lịch nhưng vẫn đảm bảo an toàn
Để du lịch thực sự phục hồi và phát triển bền vững, bên cạnh yếu tố chất lượng, việc đảm bảo an toàn cho du khách vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, dịch COVID-19 đã buộc ngành du lịch tỉnh phải chuyển hướng và du lịch nội địa là giải pháp giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động. Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Sở cũng giao phòng chuyên môn thường xuyên phối hợp với các đơn vị lữ hành phổ biến tất cả các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống dịch; đồng thời nắm bắt tình hình các đoàn khách để kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch...
Ngành Du lịch kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin. “Trước đây, các doanh nghiệp lữ hành phải đối diện với khủng hoảng khi khách hàng yêu cầu hoàn tiền, hủy tour, đền bù. Tuy nhiên, khi đã thích ứng với các khó khăn, các doanh nghiệp lữ hành lại tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc, đẩy mạnh việc ứng dụng số trong hoạt động kích cầu du lịch nội địa, bán tour, quảng bá vẻ đẹp của các điểm du lịch”, ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An cho biết.
Dự báo đến tháng 7 du lịch quốc tế mới có tín hiệu khởi sắc bởi phụ thuộc vào chính sách nhập cảnh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như tiêm vaccine, cấp visa miễn dịch COVID-19… Với phương châm “an toàn là trên hết”, Hiệp hội Du lịch Nghệ An phối hợp với Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch và liên kết với các Hiệp hội Du lịch trong cả nước triển khai nhiều chương trình kích cầu, khuyến khích để thu hút khách du lịch đến với Nghệ An, cũng như đưa khách đến các điểm du lịch an toàn trong cả nước.
Đón đầu để du lịch phục hồi sau dịch, các công ty du lịch đang tập trung cho công tác đào tạo nhân lực. Trong thời gian trước và sau Tết, các khách sạn trên địa bàn Nghệ An đã phối hợp với Sở Du lịch có chương trình đào tạo chuyên sâu, đào tạo lại nghiệp vụ khách sạn; đồng thời có giải pháp kích cầu, xúc tiến quảng bá, rà soát lại tất cả các chương trình, tour, tuyến, các điểm du lịch nhằm tạo nên những nét mới thu hút khách trong thời gian tới. (còn tiếp)
Bích Huệ